Những diễn biến trong năm 2018 đang làm đảo ngược cơn lốc mua bất động sản tại nước ngoài của người Trung Quốc. Mặc dù vậy, hàng loạt bất động sản đắt tiền trên thế giới vẫn về tay người dân đến từ quốc gia châu Á này.
Theo thông tin từ Bloomberg, tòa nhà số 245, Đại lộ Park tại Manhattan, TP. New York, Mỹ cũng là một trong những bất động sản đắt đỏ của người Trung Quốc.
Tòa nhà này có tên thương mại là khách sạn Waldorf Astoria và tháp Chicago’s Vista. Tuy vẫn đang xây dựng nhưng đây sẽ là một trong những tòa nhà cao nhất tại New York.
Vào giữa năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã ra quyết định kết thúc "cơn say" của bốn tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc khi báo động rằng họ đã vay mượn quá nhiều. Các tập đoàn này gồm tập đoàn HNA; tập đoàn bảo hiểm Anbang; tập đoàn Fosun International và tập đoàn Dalian Wanda.
Một trong những công trình cao nhất tại New York là cao ốc 245, Đại lộ Park,
Manhattan thuộc sở hữu của người Trung Quốc. Ảnh: Getty
Chính quyền Trung Quốc đã cứng rắn đưa ra lệnh thanh lý nợ cùng với việc lên "danh sách cấm" để hạn chế các bất động sản và khách sạn ở nước ngoài, trong khi các sòng bài thì bị cấm cửa hoàn toàn.
Tuy nhiên, dấu hiệu suy giảm đầu tư vào bất động sản nước ngoài của Trung Quốc không chỉ bắt đầu từ cuối năm 2017. Thực tế trong giai đoạn 2016-2017, đã có 89 tỉ USD tiền đầu tư vào bất động sản của Trung Quốc bị cắt giảm.
Xu hướng cắt giảm trên lộ diện rõ hơn trong năm 2018. Cụ thể, theo số liệu từ Real Capital Analytics, hồi tháng 1/2018, doanh số bán bất động sản từ các doanh nghiệp Trung Quốc tăng đến 12,3 tỉ USD, cao hơn 5,3 tỉ USD so với một năm trước đó.
Jeffrey Langbaum, chuyên gia phân tích hoạt động buôn bán bất động sản của Bloomberg Intelligence nhận xét, câu chuyện trên có nguyên nhân "xuất phát một phần từ việc chính phủ muốn kiểm soát những tay mua (bất động sản) lớn nhất, cũng như yêu cầu cần phải hạ mức nợ".
Con nợ lớn nhất được cho là Tập đoàn HNA. Đây cũng là Tập đoàn nắm giữ nhiều cổ phần của các hãng hàng không, doanh nghiệp kinh doanh ăn uống, nhà phân phối công nghệ, nhà hàng, công ty quản lý quỹ và thu đổi ngoại tệ.
Trong khi đó, Wanda hiện là tập đoàn điều hành rạp chiếu phim lớn nhất thế giới. Fosun cũng bành trướng không kém khi mua lại chuỗi resort Club Med của Pháp và cổ phần tại các căn hộ sang trọng khắp nơi trên thế giới.
Ông James Shepherd, giám đốc quản lý hoạt động nghiên cứu Trung Quốc của Cushman & Wakefield, nhận định "xu hướng sụt giảm sẽ còn tiếp tục trong nửa đầu năm sau". Vị này cũng cho rằng, ngân hàng nội địa là chỗ dựa chính của các nhà đầu tư Trung Quốc khi họ muốn duy trì cơn sốt mua bất động sản. Nếu nguồn cung này bị cắt bỏ và áp lực tái cấu trúc tài chính tăng cao, họ sẽ khó tránh khỏi các vụ bán tháo tài sản.
Được biết, các thương vụ mua lại tài sản từ các nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu do người Mỹ tham gia với tỷ lệ mua lại đến 40%.
Giám đốc điều hành Thị trường nguồn vốn của CBRE Châu Á - Tom Moffat, cho biết thêm: "Tình hình bất ổn do chiến tranh thương mại gây ra đang đặt gánh nặng lên dự trữ ngoại hối và giá trị của đồng CNY, vì thế việc quản lý vốn dẽ tiếp tục đến hết 2019. Điều này đồng nghĩa rằng xu hướng bán ra một cách có chọn lọc từ các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn tiếp tục."
(Theo Tuổi trẻ online)
Người viết : tien123