Tuần 7-11/1: Dư địa tăng không còn nhiều, VN-Index gặp thách thức lớn tại vùng 910 – 920 điểm

Thứ hai, 14/01/2019, 14:28 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Tuần giao dịch 7-11/1 diễn ra khá tích cực với hiệu ứng từ cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung. Chỉ số VN-Index khép lại tuần giao dịch tại 902,71 điểm, tăng 2,5% so với tuần trước đó và chấm dứt chuỗi 4 tuần điều chỉnh liên tiếp.

Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường vẫn khá thấp với giá trị khớp lệnh bình quân HoSE đạt 1.919 tỷ đồng/phiên, giảm 12% so với tuần trước đó. Riêng phiên giao dịch 7/1 và 8/1, thanh khoản thị trường ở mức thấp nhất trong gần 2 năm qua. Việc thanh khoản thấp cho thấy giới đầu tư đang khá thận trọng với xu hướng thị trường lúc này.

VN30 tăng 2,4% sau 4 tuần giảm điểm liên tiếp giúp các HĐTL tăng điểm dù vậy điều này vẫn chưa lấn át được tâm lý nghi ngờ về khả năng hồi của thị trường. Các HĐTL tăng rất chậm so với VN30, qua đó mở rộng trạng thái discount lần lượt -1,7%, - 1,9%, -1,9% và -2% lần lượt ở các kỳ hạn.

Điểm sáng trong tuần qua đến từ giao dịch khối ngoại khi họ mua ròng 217 tỷ đồng trên toàn thị trường. Việc USD Index giảm 0,5% trong tuần qua phần nào tác động tích cực tới giao dịch khối ngoại.

Tuần qua, giá một số hàng hóa cơ bản đều tăng mạnh như dầu (WTI tăng 7% lên 51,6 USD), cao su (tăng 7,2%) giúp nhóm cổ phiếu như dầu khí, cao su hồi phục. Bên cạnh đó, việc Vietcombank hoàn tất phát hành 111 triệu cổ phiếu cho GIC và Muzuho Bank cũng mang đến sự khởi sắc cho nhóm ngân hàng.

Thách thức lớn tại vùng kháng cự "cứng" 910 – 920 điểm

Trong tuần giao dịch tiếp theo (14-18/1), những thông tin về KQKD năm 2018 của các doanh nghiệp sẽ dần được hé lộ, đây sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới xu hướng thị trường. Ngoài ra, Nghị viện Anh bỏ phiếu Brexit vào 15/1 và G20 nhóm họp từ 16- 17/1 cũng là thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường thế giới và qua đó tác động đến thị trường Việt Nam.

Đánh giá về diễn biến thị trường tuần tới, các CTCK trong nước đều có cái nhìn khá thận trọng. Theo CTCK SHS, thanh khoản thị trường cải thiện nhẹ trong phiên cuối tuần trước nhưng chưa đủ thuyết phục khi vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình trong 20 tuần gần nhất. Bên cạnh đó, trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1 tiếp tục chiết khấu mạnh so với chỉ số VN30 đạt 14,7 điểm trong bối cảnh chỉ còn 4 phiên nữa là đáo hạn hợp đồng tháng 1. Điều này tiếp tục thể hiện sự lo ngại của nhà đầu tư về một nhịp điều chỉnh sắp đến của thị trường trong bối cảnh mà thanh khoản thấp như hiện tại.

Xu hướng đã trở nên bớt tiêu cực hơn nhờ tuần tăng điểm vừa qua nhưng dư địa của nhịp tăng này có lẽ cũng không còn nhiều. SHS dự báo, trong tuần giao dịch 14/1-18/1, đà tăng của VN-Index có thể tiếp tục nhưng với dư địa không lớn với ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo tại 915 điểm (MA10 tuần). SHS khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế mua vào trong giai đoạn này và nếu đang có tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục có thể tận dụng những phiên tăng nhằm đưa danh mục về trạng thái an toàn hơn.

Tuần 7-11/1: Dư địa tăng không còn nhiều, VN-Index gặp thách thức lớn tại vùng 910 – 920 điểm - Ảnh 1.

VN-Index gặp thách thức lớn tại vùng 910 - 920 điểm?

Chung quan điểm, CTCK BVSC cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh khi tiếp cận vùng kháng cự 903 – 908 điểm trong những phiên đầu tuần. Vùng điều chỉnh của chỉ số có thể nằm tại 885-890 điểm, sau đó nhiều khả năng sẽ cần thêm thời gian tích lũy, trước khi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về mặt xu hướng kế tiếp.

CTCK BSC đánh giá việc Vn-Index hồi phục tăng trên 900 điểm là vùng bớt rủi ro hơn, dù vậy chỉ số vẫn nằm trong mô hình lớn descending triangle. Các chỉ báo kỹ thuật cải thiện nhẹ, thanh khoản giữ ở mức thấp chưa cho thấy động lực tăng điểm rõ ràng và sự chuyển biến tâm lý của NĐT. Chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục vận động tích lũy với ngưỡng hỗ trợ 880 điểm và ngưỡng kháng cự 910 điểm trong ngắn hạn.

 

Theo Trí thức trẻ

Theo Trí thức trẻ