Thành công của U23 Việt Nam khiến lứa đàn em U19 gặp phải áp lực kỳ vọng nặng nề. |
Năm 2018 cũng ghi dấu thành công mạnh mẽ của bóng đá Việt Nam. Tại VCK U23 châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo giành ngôi á quân đầy thần kỳ. Đến ASIAD, cũng lứa cầu thủ ấy đưa đội tuyển Olympic Việt Nam đi đến trận bán kết và chỉ để thua trong trận tranh hạng ba trên loạt luân lưu.
Một bộ phận không nhỏ người hâm mộ sau những chiến thắng gần đây mang tâm lý lạc quan thái quá, đánh giá rằng bóng đá Việt Nam đã đứng ở "chiếu trên" tại châu lục. Nhưng thực tế rằng thành công gần đây chỉ ở mức hiện tượng, bóng đá Việt Nam còn một chặng đường rất dài để tiến lên đẳng cấp châu lục một cách thực sự.
HLV Park Hang Seo gần đây cũng thẳng thắn chỉ ra rằng bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố thua kém những nền bóng đá hàng đầu. Thầy Park chỉ thẳng ra hai hạn chế dễ thấy nhất của bóng đá Việt Nam.
Thứ nhất, Việt Nam vẫn còn để trống mảng bóng đá học đường, nguồn cung cầu thủ phụ thuộc vào một số lò đào tạo trẻ nhưng chất lượng không đồng đều. Điều đó khiến các huấn luyện viên có quá ít lựa chọn về mặt con người, cũng như chậm phát hiện những cầu thủ trẻ tài năng.
Tiêu biểu như trường hợp của "Messi Hà Tĩnh" mới đây, nếu không có đoạn clip được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi, bóng đá Việt Nam hoàn toàn có thể đánh rơi một mầm non tốt như thế.
Thứ hai, nền tảng thể chất vẫn là điểm yếu. Thầy Park thừa nhận một trong những nỗi lo của ông là các cầu thủ Việt Nam dễ chấn thương bởi nền tảng thể chất vẫn còn thua kém so với đồng nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc,...
Không nên bi kịch hóa
Với những thành công liên tiếp của thế hệ đàn anh, thật dễ hiểu khi tập thể U19 Việt Nam lần này bước vào giải với sự kỳ vọng cao. Tất nhiên kỳ vọng càng cao thì khi không đạt được mục tiêu, thất vọng lại càng lớn. Thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn rời giải từ vòng bảng với ba trận toàn thua, dù rằng đã có hai trận vươn lên dẫn trước.
Trên thực tế, U19 Việt Nam lần này là lứa đầu tiên có thể ghi bàn trong cả ba trận đấu ở vòng bảng thuộc VCK U19 châu Á. Cũng đừng quên rằng lứa U23 Việt Nam của những Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng, Phan Văn Đức,... vừa lên ngôi á quân tại VCK U23 châu Á 2018 cũng từng thất bại với hai trận thua cùng một trận hòa tại vòng bảng VCK U19 châu Á 2014.
Thậm chí, lứa của Công Phượng khi đó thua U19 Hàn Quốc đến 0-6. Tất nhiên trong bóng đá mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng lứa U19 Việt Nam hiện tại dù không xuất sắc nhưng cũng chẳng quá tệ như người ta vẫn chỉ trích những ngày qua.
Các cầu thủ trẻ cần thêm thời gian để tích lũy kinh nghiệm thi đấu cũng như hoàn thiện hơn về tư duy chơi bóng. Nếu có lộ trình đúng hướng để các cầu thủ cọ xát nhiều hơn, lứa cầu thủ từng trải qua thất bại lần này nếu có thể đứng dậy, kết hợp thêm một số cầu thủ tiềm năng ở lứa sau hoàn toàn có thể làm nên chuyện ở SEA Games 2021.
Quan trọng hơn, thất bại này kéo những người làm bóng đá trở về với hiện thực rằng Việt Nam đang đứng đâu so với những nền bóng đá hàng đầu của khu vực. Điều này cực kỳ cần thiết khi Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ tới sẽ có định hướng rõ ràng hơn, chính xác hơn cho tiến trình đào tạo bóng đá trẻ.
Sớm bi kịch hóa cả một thế hệ trẻ vì thất bại, nên hay không?
(Theo Bongda24h)