Tranh cãi Khánh Hòa “chặn” chuyển nhượng dự án BĐS du lịch

Thứ năm, 27/12/2018, 09:59 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Quy định mới đây của Khánh Hoà về tăng cường quản lý dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc lĩnh vực du lịch đang gây tranh cãi là trái luật, tăng nguy cơ tạo “giấy phép con” cho môi trường kinh doanh


Đó là Văn bản số 12143/UBND-KGVX (ngày 27/11) do Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh ký, ban hành về việc tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.Âm thầm chuyển nhượng

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Sở KH&ĐT kiểm tra, xây dựng quy định, cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa các phòng chuyên môn trong Sở: Không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn doanh nghiệp (DN) để chuyển nhượng dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách.

Ngoài ra, trước khi giải quyết cho phép thay đổi, điều chỉnh đăng ký kinh doanh hoặc thay đổi, điều chỉnh cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn DN liên quan đến các dự án đầu tư có vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ, vi phạm quy định về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, yêu cầu Sở KH&ĐT phải kiểm tra, lấy ý kiến các ngành liên quan và báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến.

Sở dĩ có nội dung này, theo tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian qua, hàng loạt dự án BĐS du lịch đã thay đổi chủ đầu tư, người đại diện mà tỉnh “không hề hay biết” gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý khi có sai phạm. Dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang trên đường Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang) là một ví dụ điển hình.

Dự án do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư với người đại diện pháp lý ban đầu là ông Ngô Văn Dũng, Ngô Phi Hùng. Dự án có tổng số vốn đầu tư lên đến 33 triệu USD, khởi công đầu năm 2014 trên diện tích 10,3ha mặt đất và mặt nước biển, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2016.

Thế nhưng đến nay, dự án vẫn là bãi đất trống. Qua kiểm tra, tỉnh Khánh Hòa phát hiện dự án lấn biển trái phép 2,3ha bị xử phạt 200 triệu đồng. Đến tháng 1/2018, dự án bị thu hồi thì chủ đầu tư hai lần có đơn khiếu nại. Có điều, người đứng ra khiếu nại không phải là người đại diện pháp lý ban đầu mà là bà Hồng Kim Yến, Tổng giám đốc công ty.

 

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Khánh Hòa mới đây, ông Trần Hòa Nam, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chuyển nhượng tại dự án Nha Trang Sao là chuyển nhượng DN chứ không phải chuyển nhượng dự án đầu tư.

Tên công ty và tên dự án đều không thay đổi. “Dự án đã thu hồi, Công ty CP Nha Trang Sao phải thanh lý tài sản đất và trên đất. Ở đây sẽ không có việc chờ giải quyết xong khiếu nại rồi xử lý. Theo quy định, sau 24 tháng, nếu chủ đầu tư không thanh lý thì Nhà nước thu hồi mà không nhận được tiền sử dụng đất và tài sản trên đất”, ông Nam cho biết.

Ông Lê Xuân Thân, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, Thủ tục chuyển nhượng dự án rất phức tạp, phải thông qua ý kiến của UBND tỉnh.

Có trái luật doanh nghiệp?

Nhiều ý kiến cho rằng, văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa trái với Luật Doanh nghiệp. Bởi dù có phát hiện dự án sai phạm, trong một số trường hợp tỉnh không thể cấm chủ đầu tư dự án thay đổi đăng ký kinh doanh, mua bán cổ phần của các cổ đông, vốn góp của các thành viên góp vốn kinh doanh trong DN vì đây là quyền hợp pháp của DN được quy định tại Luật Doanh nghiệp năm 2014.

“Thời gian tới, nếu UBND tỉnh Khánh Hòa không có các sửa đổi kịp thời thì sẽ có phát sinh các trường hợp tranh chấp xảy ra giữa DN và cơ quan đăng ký kinh doanh liên quan đến các nhu cầu này. Vô hình trung tạo ra nhiều “giấy phép con”. Điều này sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ đến môi trường đầu tư và kinh doanh tại tỉnh Khánh Hòa nói chung cũng như đến quyền lợi của các DN có trụ sở tại tỉnh Khánh Hòa nói riêng”, ông Nguyễn Sơn Tùng, luật sư điều hành Legal United Law chia sẻ.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa cho rằng, văn bản của UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ là công văn chỉ đạo điều hành nội bộ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, chưa có căn cứ để nói công văn này là văn bản quy phạm trái pháp luật về hình thức cũng như nội dung.

Đại diện Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho rằng, công văn trên là chỉ đạo điều hành bình thường của UBND tỉnh nhằm tăng cường công tác quản lý đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Tại công văn này, UBND tỉnh không đưa ra bất cứ quy định nào để cho rằng hạn chế quyền của DN hay cấm DN thực hiện quyền của mình theo quy định.

 

Theo Quốc Nhật

Báo giao thông

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Báo giao thông