Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, UBND Quận Thủ Đức lại từ chối không cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho chủ sở hữu khu đất này, trong khi những người lấn chiếm khu đất này thì lại được hợp thức hóa và cấp giấy chứng nhận QSDĐ đang là vấn đề hết sức khó hiểu.
Theo trình bày của ông Ngô Mạnh Hân, người có tên trên giấy tờ đang sở hữu khu đất rộng 17.000m2: "Năm 1992, tôi đã nhận chuyển nhượng của ông Đào Hồng Tài, địa chỉ 76 Nguyên Hồng, phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM, khu đất có diện tích 17.000m2 thuộc lô 159, 161,162, tờ bản đồ số 04 (tài liệu cũ), và nay thuộc Tờ bản đồ số 101 bộ địa chính phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Giá chuyển nhượng năm 1992 là 556 cây vàng. Sau khi nhận chuyển nhượng, tôi đã đến UBND quận Thủ Đức nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận QSDĐ khu đất nêu trên, tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà UBND quận Thủ Đức vẫn không đứng ra giải quyết mãi cho đến tận hôm nay", ông Hân nói.
Cũng theo ông Hân, trong suốt thời gian từ năm 1992 – 1996, ông thường xuyên lên quận Thủ Đức để hỏi về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng chỉ nhận được những lời hứa từ phía các cán bộ phụ trách chuyên môn của quận này.
Đến năm 1997, ông Hân tiếp tục làm đơn xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ thì được UBND quận Thủ Đức cho biết "không thể cấp giấy chứng nhận QSDĐ vì khu đất nằm trong diện quy hoạch theo Quyết định số 190/TTg ngày 29/03/1997 của Thủ tướng chính phủ giao đất cho Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (sau này là Nhà máy thuốc lá Vĩnh Hội), sử dụng để đầu tư xây dựng khu Nhà ở cán bộ công nhân viên nên ngừng việc cấp giấy chứng nhận cho khu đất và toàn bộ phần đất quy hoạch trong dự án".
Theo tìm hiểu, ngày 29/3/1997, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 190/TTg giao đất để xây dựng cơ sở hạ tầng khu nhà ở cán bộ, công nhân viên Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội. Có quyết định giao đất nhưng Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội lại không có chức năng lẫn năng lực đầu tư thực hiện dự án, nên đã giao đất để liên kết, liên danh với các đơn vị khác.
Sau khi được giao đất, Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội đã bắt tay với Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh nhà Đông Phương do Trần Văn Giao làm giám đốc để thực hiện dự án. Trong khi hai đơn vị đang tiến hành đền bù thì Trần Văn Giao bị bắt vì liên quan đến việc lừa đảo, dự án bị bỏ dở.
Sau lần liên kết thứ nhất bất thành, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn (đơn vị kế thừa Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội) tiếp tục ký hợp đồng liên doanh với Công ty TNHH Đồng Xuân Thủ Đức để thực hiện dự án. Theo hợp đồng liên doanh, Công ty Đồng Xuân sẽ bàn giao cho Công ty Thuốc lá Sài Gòn 289 căn hộ được thiết kế với diện tích 65m2/căn. Thế nhưng, đến thời điểm này hợp đồng liên danh vẫn chỉ nằm trên giấy.
Dự án bị bỏ hoang dang dở từ đó kéo dài đến nay, hơn 20 năm vẫn chưa thực hiện được. Ông Ngô Mạnh Hân và các hộ dân có đất trong dự án lâm vào tình trạng đi không được, ở cũng không xong, không được xây cất, hệ thống hạ tầng đường sá không có, phải đi lại trên những đường đất nhỏ, nước ngập lầy lội.
Riêng ông Ngô Mạnh Hân vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khu đất 17.000 m2 dù khu đất của ông đến nay dự án treo hơn 20 năm và có đầy đủ giấy tờ bản chính từ 2 đời chủ trước từ năm 1971 đến nay.
Điều đáng nói, UBND quận Thủ Đức đã có văn bản trả lời số 4862/UBND-TNMT ngày 29/11/2016 với nội dung… không có cơ sở để giải quyết vì từ năm 1992 đến nay chẳng biết ông Ngô Mạnh Hân ở đâu mà chỉ biết sự hiện diện của ông Võ Văn Hy (ông Hy là người chuyển nhượng khu đất cho ông Đào Hồng Tài và ông Hân đã nhận chuyển nhượng từ ông Tài vào năm 1992).
Với lý do không biết ông Ngô Mạnh Hân là chủ khu đất nên việc cấp GCNQSDĐ cho các hộ khác trong diện tích 17.000 m2 là theo kê khai đất dựa trên chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đất lúc đó không có ai quản lý nên cho các hộ đang sử dụng canh tác, trồng trọt được quyền kê khai và lâu dần được hợp thức hóa.
Văn bản trả lời số 4862/UBND-TNMT của UBND Quận Thủ Đức ghi rõ: "Căn cứ nguồn gốc, quá trình sử dụng đất thể hiện trong các hồ sơ đã được cấp giấy chứng nhận, trong đó không xác định việc ông Hân có nhận chuyển nhượng đất và có quá trình sử dụng đối với phần đất nêu trên (17.000m2) nên việc ông Ngô Mạnh Hân đề nghị hủy các giấy chứng nhận của các hộ khác là không có cơ sở".
"Trước những thông tin trên, tôi chỉ biết chờ đợi nhà nước đền bù thiệt hại. Và trong quá trình chờ giải tỏa đền bù, tôi đã làm hàng rào ranh giới để quản lý đất của mình để khỏi thất thoát, thế nhưng lúc này, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã đến ngăn cản không cho xây, khiến cho việc bảo vệ tài sản gặp khá nhiều khó khăn và đã xảy ra tình trạng bị nhiều người lạ lấn chiếm", ông Hân nói.
Ông Hân cho biết, trong thời gian chờ Toà án thụ lý và xét xử, gia đình ông vẫn miệt mài gửi đơn đến các cơ quan ban ngành để mong đói được quyền lợi chính đáng, dù gần 30 năm qua ông đã kêu cứu khắp nơi.
Cũng theo ông Hân, sau khi dựng hàng rào không thành, ông tiếp tục làm "lều tạm" để quản lý đất, nhưng chính quyền địa phương lại tiếp tục ngăn cản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng. Đồng thời chính quyền địa phương cũng cho biết "sắp tới khu đất sẽ có Quyết định thu hồi để thực hiện Dự án theo Quyết số 190/TTg ngày 29/03/1997 của Thủ tướng Chính phủ".
Tuy nhiên, trong suốt 27 năm qua, dự án không hề được triển khai, tiền đền bù vẫn chưa được nhận. Thế nhưng, điều khó hiểu nhất là chính quyền địa phương lại cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho những người đã lấn chiếm một phần trên đất của ông Hân. "Chưa dừng lại ở đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, các hộ này ngang nhiên xây nhà cao tầng, thậm chí giao bán qua tay nhiều đời chủ là điều hết sức khó hiểu", ông Hân bức xúc.
Vào tháng 8/2018, ông Ngô Mạnh Hân gửi đơn khởi kiện “Quyết định hành chính và hành vi hành chính”của UBND Quận Thủ Đức ra TAND TP.HCM. Tòa đã nhận đơn, bước đầu mời các bên đến làm việc và xem xét các chứng cứ.
Theo Nhịp sống kinh tế
Theo Nhịp sống kinh tế