Tp.HCM: Nhu cầu thuê văn phòng và mặt bằng kinh doanh tăng mạnh

Thứ năm, 24/01/2019, 13:53 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Theo thống kê của các đơn vị nghiên cứu thị trường, nguồn cung mặt bằng văn phòng và mặt bằng bán lẻ trong mấy năm qua còn hạn chế, nguồn cung mới không có nhiều, từ đó giá cho thuê mặt bằng trong thời gian qua khá triển vọng. Vấn đề khan hiếm nguồn cung trong năm 2018 liên tục làm tăng giá thuê mặt bằng văn phòng cho cả hai hạng A và B. Giá thuê mặt bằng hạng A trong năm qua được ghi nhận ở mức 43,48 USD và hạng B là 23,42 USD, tăng lần lượt 15,8% và 10,8% so với năm 2017.

Trước xu hướng giá tăng lên, không ít khách hàng chuyển đổi vị trí thuê, theo hướng chọn những vị trí rẻ hơn như văn phòng hạng B, thậm chí là các không gian làm việc linh hoạt để giảm bớt chi phí thuê văn phòng.

Năm 2019 sẽ có thêm nguồn cung mới

Theo Công ty CBRE đánh giá, trong năm 2018, Tp.HCM chỉ tiếp nhận thêm một nguồn cung hạng B duy nhất với tổng diện tích cho thuê ngoài là 3.600 m2. Tuy nhiên, thị trường văn phòng được kỳ vọng sẽ sôi động hơn trong năm 2019 khi có thêm nguồn cung mới. Trong năm 2019, tổng diện tích được chào thuê dự kiến là 151.855 m2 từ 9 tòa nhà là Friendship Tower, Lim 3 Tower (Hạng A), Crescent Hub, OneHub Saigon, Etown 5, Opal Office Tower, Thaco Building, DHA Tower và tòa Viettel Complex giai đoạn 2 (Hạng B).

Trong lúc mặt bằng kiểu truyền thống hạn hẹp lại chính là cơ hội cho mô hình văn phòng kiểu mới phát triển. Giới chuyên gia đánh giá rằng, không gian làm việc linh hoạt ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, nguyên do phần lớn từ việc nguồn cung văn phòng truyền thống hạn chế.

Dù vậy, thị trường không gian linh hoạt của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi. Theo JLL thống kê, hiện có 25 đơn vị khai thác không gian linh hoạt cao cấp, và một số đơn vị nổi bật có thể kể đến như Toong, Dreamplex, Circo, Workyos, Kloud, CEO Suites, UP và đặc biệt WeWork đã mở trụ sở đầu tiên vào tháng 12/2018.

Nhu cầu thuê không gian văn phòng linh hoạt chủ yếu đến từ các công ty khởi nghiệp có nhu cầu thuê văn phòng ngắn hạn, cũng như các doanh nghiệp tìm kiếm vị trí văn phòng tạm thời. Song, hiện nay, với xu thế tiết kiệm chi phí và cải thiện môi trường làm việc, nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang các mô hình văn phòng linh hoạt hơn.

Theo đó, các đơn vị điều hành các tòa nhà co-working (không gian làm việc chung) đang chú trọng tìm kiếm và tiếp cận khách thuê doanh nghiệp có nhu cầu chuyển và cải tạo văn phòng thành mô hình co- working thông qua dịch vụ văn phòng may đo.

 

Đối với loại hình dịch vụ này, các đơn vị điều hành sẽ tìm kiếm mặt bằng, thiết kế và quản lý không gian làm việc linh hoạt theo yêu cầu riêng của mỗi khách hàng. Động thái này được nhận định là xu hướng sẽ đem đến sự phát triển bền vững hơn cho loại hình không gian làm việc linh hoạt khi thị trường ngày càng phát triển hơn.

Mặt bằng bán lẻ sẽ sôi động hơn

Cũng với sự nổi lên của các không gian làm việc linh hoạt đang dần thay đổi tư duy trong việc chọn thiết kế văn phòng và cơ cấu khách thuê của khối văn phòng truyền thống. Các chuyên gia nhận định những không gian làm việc linh hoạt đang và sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng trong thời gian sắp tới. Từ các giao dịch được CBRE thu thập trong năm 2018 cho thấy các giao dịch về không gian làm việc linh hoạt chiếm tỷ lệ cao nhất với 22% trong tổng số tổng các khách hàng đã giao dịch.

Sự gia tăng nhanh chóng của nguồn cung văn phòng linh hoạt đã giúp giải quyết được các vấn đề về nơi làm việc của rất nhiều công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính đến năm 2018, tổng nguồn cung theo diện tích sàn của không gian làm việc linh hoạt đã lên đến hơn 37.000 m2, tăng 109% so với năm 2017.

Trong quý 4/2018, tỷ lệ lấp đầy trung bình của không gian làm việc chung tại thị trường Tp.HCM đạt xấp xỉ 80%. Theo CBRE dự báo, trong 3 năm tới, tổng nguồn cung mặt bằng văn phòng mới dự kiến lên đến hơn 360.000 m2 từ 15 tòa nhà. Thị trường văn phòng sẽ có những bước đi chậm hơn trong việc tăng giá thuê cho cả hai hạng A và B.

Mặc dù nguồn cung mặt bằng bán lẻ trong những năm qua còn hạn chế, song trong những năm tới, thị trường này cũng sẽ được bổ sung thêm nguồn cung mới. Phần diện tích mới dần tiến ra khu vực vùng ven, nằm ở khu vực ngoài và rìa trung tâm.

Dự kiến, 9/16 dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn từ 2019 - 2020 với tổng diện tích cho thuê là 308,479 m2. Trong đó, gần một nửa trong 16 dự án này sẽ hoàn thành trong năm 2019 với các dự án mới nổi bật như Giga Mall (Quận Thủ Đức - 32.000 m2), Sala Shopping Centre (Quận 2 – 60.000 m2), Aeon Celadon giai đoạn 2 (Quận Tân Phú - 36.000 m2), Crescent Mall giai đoạn 2 (Quận 7 - 18.000 m2) và Central Premium Mall (Bình Thạnh - 59.000 m2), rồi Union Square cũng sẽ khai trương lại sau thời gian đóng cửa nâng cấp.

Với tỷ trọng lớn mặt bằng thương mại đưa vào khai thác, CBRE Việt Nam dự báo tỷ lệ trống sẽ tăng nhiều trong 3 năm tới, đặc biệt là khu vực ngoài trung tâm.

 

Vneconomy

Vneconomy