TP HCM khẳng định 'không có trở ngại' khi thu hồi 5.000 m2 đất vàng

Thứ năm, 01/11/2018, 14:57 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Trưa 1/11, trả lời VnExpress trong buổi họp báo thường kỳ, về việc Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue (chủ đầu tư dự án tại khu đất vàng 5.000 m2 trên đường Lê Duẩn, quận 1) "dọa" kiện TP HCM nếu bị thu hồi đất, ông Võ Văn Hoan (Chánh văn phòng UBND TP HCM) cho biết điều này là bình thường, bởi việc thu hồi là một sự kiện pháp lý.

"Mình lấy lại của người ta cái đang có thì họ có quyền kiện. Còn về phía thành phố, đã làm sai thì phải sửa, phải thu hồi đất theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ", ông Hoan nói.

Khu đất gần 5.000 m2 tại số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) có vị trí đắc địa bậc nhất Sài Gòn. Thời điểm năm 2007 lô đất do Công ty quản lý Kinh doanh nhà TP HCM quản lý và cho 4 công ty cổ phần: Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Kim khí Thành phố, Hóa chất vật liệu điện thành phố và Vận tải xăng dầu (thuộc Bộ Công Thương) thuê làm trụ sở.

Bộ này từng gửi công văn đề nghị UBND TP HCM cho mua chỉ định lô đất nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, thay vì cho đấu thầu, chọn doanh nghiệp có kinh nghiệm làm chủ đầu tư, thành phố lại chấp thuận phương án thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Lavenue và cho 4 công ty trên tham gia 50% cổ phần (chia đều mỗi công ty 12,5%), còn lại là của Công ty quản lý Kinh doanh nhà.

Ngay sau khi được UBND thành phố ưu tiên cho tham gia cổ phần, các doanh nghiệp của Bộ Công thương đã "lật kèo" (cách gọi của một nguyên lãnh đạo thành phố), cùng sang nhượng quyền đầu tư phát triển dự án cho một công ty tư nhân để kiếm lời. Thương vụ này cũng giúp các công ty tư nhân chiếm 80% cổ phần dự án đầu tư khu đất 5.000 m2.

Theo Thanh tra Chính, UBND TP HCM đã bán khu đất cho tư nhân sai quy định, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Thanh tra đề nghị thu hồi khu đất, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm tại UBND TP HCM (cụ thể là nguyên Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài), các sở ngành và doanh nghiệp liên quan. Số tiền 200 tỷ đồng các công ty của Bộ Công thương kiếm được từ thương vụ sang tay cũng bị đề nghị thu hồi.

Hồi giữa tháng 10, Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue gửi công văn đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất được tiếp tục triển khai dự án xây khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại trên khu đất vàng 5.000 m2.

Theo chủ đầu tư, không thể vì thiếu sót của lãnh đạo thành phố mà trung ương đề nghị thu hồi dự án. Thành phố sai phạm một phần là do áp lực thu ngân sách trong giai đoạn khủng hoảng. "Họ hoàn toàn không có vụ lợi gì từ việc chấp thuận cho dự án của chúng tôi", ông Đỗ Minh Quân (Tổng giám đốc Lavenue) viết.

Lavenue cũng khẳng định là doanh nghiệp bỏ vốn kinh doanh, hoàn toàn không vi phạm trong dự án này. Giá nộp tiền sử dụng đất cho ngân sách của thành phố cũng cao gấp hai lần giá thị trường vào thời điểm bất động sản đóng băng. Lavenue ước tính đã chi 1.500 tỷ đồng để thực hiện dự án.

"Nếu dự án bị thu hồi, công ty sẽ phá sản, cán bộ nhân viên sẽ không có việc làm. Chúng tôi bắt buộc khởi kiện UBND TP HCM ra toà án và trọng tài kinh tế quốc tế để đảm bảo quyền lợi cũng như trách nhiệm với các cổ đông", ông Quân khẳng định.

Đường Lê Duẩn bắt đầu từ Dinh Thống Nhất đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Trên đại lộ chỉ dài khoảng 2 km này hầu như không có nhà dân, chủ yếu là các cơ quan nhà nước, trường học, cơ sở tôn giáo như: Văn phòng Chính phủ tại TP HCM, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, nhà thờ Đức Bà.

Đây cũng là con đường đặt nhiều trụ sở ngoại giao như Lãnh sự quán Anh, Pháp, Mỹ, Đức...

 

Vnexpress