Khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Năm 2018, cả nước thu hút được 35,46 tỷ USD vốn FDI , giải ngân đạt mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến ngày 20/12/2018, có 3.046 dự án mới, tổng vốn gần 18 tỷ USD; 1.169 dự án điều chỉnh vốn, tổng vốn tăng thêm 7,59 tỷ USD; số góp vốn, mua cổ phần đạt 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với 2017.
Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (16,58 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn), tiếp đến là kinh doanh bất động sản (6,6 tỷ USD) và bán buôn, bán lẻ (3,67 tỷ USD).
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng đánh giá, dòng FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, những thay đổi và xung đột thương mại trên thế giới có tác động đến điều chỉnh dòng đầu tư của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Áp lực cạnh tranh thu hút FDI của một số nước trong khu vực ngày càng tăng; cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực.
Việt Nam có nhiều cơ hội lựa chọn những dự án FDI chất lượng cao. (Ảnh minh họa)
Về định hướng thu hút và sử dụng vốn FDI cho giai đoạn mới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Việt Nam tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.Hiện nay, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, với vị thế và uy tín trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng FDI trong giai đoạn tới, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng nhận định.
Dự báo, vốn FDI vẫn tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2019, không chỉ vào các ngành nghề cần nhiều lao động như dệt may, điện tử như các năm trước và chuyển hướng cả vào những ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Ông Tetsu Funayama, Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam khẳng định, Việt Nam là một điểm đến đầu tư đầy tiềm năng và hấp dẫn với nhà đầu tư Nhật Bản, thể hiện ở lượng vốn đầu tư Nhật Bản luôn đứng top đầu tại Việt Nam.
Dự báo ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam, ông Tetsu Funayama cho biết, một số lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư FDI là cơ sở hạ tầng, bán lẻ, y tế và công nghệ thông tin.
Ông Tomaso Andreatta - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, doanh nghiệp FDI cần thị trường Việt Nam, nhưng cũng cần một nền tảng sản xuất. Nếu không có công nghệ và hạ tầng trong lĩnh vực năng lượng và giao thông thì sẽ không thu hút được nguồn vốn FDI mới.
Hiện nhiều doanh nghiệp FDI mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, do đó, Chính phủ Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn thông qua việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cân bằng và mở cửa thị trường, ông Tomaso Andreatta cho hay.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam đang có lợi thế để chọn lọc những dự án FDI chất lượng. Ngoài lực lượng lao động dồi dào và nền kinh tế vĩ mô ổn định, việc cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những động lực giúp thu hút FDI hiệu quả nhất.
GM_PC_ARTICLE_INPAGE_BANNER
Theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế Quốc dân), cơ hội mở ra lớn trong tiếp nhận, chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn gắn với động thái mới của dòng đầu tư toàn cầu dưới tác động của cạnh tranh quốc tế, sự thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, việc điều chỉnh chính sách và tiến bộ công nghệ liên tục.
“Việt Nam còn có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đầu tư và hoàn thiện thể chế, chính sách và các điều kiện bảo hộ, định hướng và khuyến khích đầu tư giai đoạn mới thành công mới”, TS. Lạng đánh giá.
FDI là nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và là động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua. Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng từ 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng của khu vực FDI đạt 12,6% năm 2017, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Nếu trong giai đoạn 1986-1996, khu vực ĐTNN chỉ đóng góp 15% thì đến giai đoạn 2010-2017 đã đóng góp 27,7%./.
VOV
VOV