Thấy gì từ việc 'quản vốn' nhà nước tại Vinaconex?

Thứ năm, 03/01/2019, 11:35 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Vào tháng cuối năm 2018, thương vụ thoái vốn nhà nước tại Vinaconex được thực hiện thành công vượt ngoài mong đợi của Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC) và dự đoán của giới đầu tư. Tuy nhiên, ít ai biết, phía sau sự thành công đó, là cả một chuỗi gian nan.

Với giá đấu thành công 28.900 đồng/cổ phiếu, giá trị cổ phần bán được hơn 7.366 tỷ đồng, giá vốn 2.549 tỷ đồng, chênh lệch hơn 4.800 tỷ đồng. Quay ngược thời gian về những năm 2010 khi Vinaconex mất cân đối tài chính nghiêm trọng, khó ai có thể tưởng tượng khoản vốn nhà nước tại đây nay lại có thể sinh lời như vậy.

Thấy gì từ việc quản vốn nhà nước tại Vinaconex? - Ảnh 1.

Phiên đấu giá VCG cuối năm 2018 của SCIC đã đem về cho Nhà nước chênh thu hàng ngàn tỷ đồng

 Với vai trò là cổ đông nhà nước, chi phối tại Vinaconex, SCIC đã tái cơ cấu bộ máy Hội đồng quản trị, Ban giám đốc, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, điều hành doanh nghiệp, cử lãnh đạo SCIC tham gia trực tiếp Hội đồng quản trị, biệt phái cán bộ lãnh đạo giữ chức vụ Phó tổng giám đốc Tài chính của Vinaconex và Phó Giám đốc tài chính Công ty Cổ phần Xi măng Cẩm Phả để điều hành hoạt động tài chính, kiểm soát chặt chẽ dòng tiền.

Áp dụng các chính sách hiệu quả về quản lý dòng tiền, quản lý công nợ, quản lý hoạt động đầu tư đã giúp cho Vinaconex thoát khỏi tình trạng mất cân đối tài chính (giảm nợ), thoát khỏi nguy cơ mất khả năng thanh toán. Dự án nhà máy xi măng Cẩm Phả đã có lãi.

Vinaconex đã vượt qua được khủng hoảng trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn nhất, sau 2 năm liên tiếp không đủ điều kiện để chia cổ tức cho cổ đông, giai đoạn từ năm 2013-2015, Vinaconex đã chia cổ tức cho cổ đông từ 4% (năm 2013) lên 6% (năm 2014), 7% (năm 2015) và duy trì 8% (năm 2016 - 2017).

Là một định chế tài chính chuyên nghiệp, hoạt động trên thị trường, chịu các quy định của pháp luật thị trường song SCIC còn có điểm đặc biệt khác là phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quản lý và kinh doanh vốn nhà nước.

Những việc mà SCIC đã và đang thực hiện, trong đó có nhiều tình huống chưa từng có tiền lệ trong thị trường vốn Việt Nam đã bước đầu đem lại nhiều kết quả tích cực. Trong báo cáo, Kiểm toán Nhà nước cũng khẳng định "SCIC đã hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn".

Trong năm 2018, SCIC cho biết phải tổ chức 6 tổ công tác đối chiếu, thu hồi công nợ. Bằng nhiều giải pháp đôn đốc, SCIC đã thu được 4.208 tỷ đồng cổ tức, số công nợ còn lại chủ yếu là công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng từ các năm 2010 trở về trước của các doanh nghiệp đã thoái vốn. 

 

 

 

Tiền phong

Tiền phong