Những kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 dưới góc nhìn của các tổ chức trong nước, quốc tế

Thứ tư, 02/01/2019, 09:34 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

GDP Việt Nam được dự đoán vẫn ở mức cao trong năm 2019, tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng sẽ thấp hơn mức kỷ lục 7,08% của năm vừa qua.

Nền kinh tế năm 2019 được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định sẽ bước vào bối cảnh trong nước, quốc tế đều phức tạp, khó lường với thời cơ, thách thức đan xen nhau.

Bởi đây là thời điểm kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá, lãi suất, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ gia tăng. Mặt khác, những thách thức an ninh phi truyền thống ngày một nặng nề hơn, cuộc cách mạng 4.0 cũng tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện.

Còn ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện chất lượng tăng trưởng còn chậm, chưa bền vững, năng suất lao động, cạnh tranh thấp…

Tuy nhiên, năm 2019 lại là năm đặc biệt. Từ Người đứng đầu Đảng, Nhà nước lẫn Chính phủ đều khẳng định năm nay phải là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Theo đó, Nghị quyết 01 của Chính phủ vừa qua được ban hành đã phần nào hé lộ kịch bản tăng trưởng trong năm 2019.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,8%, đạt ngưỡng cao trong mục tiêu 6,6 - 6,8% mà Quốc hội đề ra. 

Những kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 dưới góc nhìn của các tổ chức trong nước, quốc tế  - Ảnh 1.

Tốc độ tăng CPI dưới 4% thay vì ước khoảng 4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP 34%, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 8- 10% cao hơn Quốc hội giao.

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 42-43 tỷ USD; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ dịch vụ 12%.

Về ngân sách, Chính phủ dự kiến tăng thu ngân sách Nhà nước so với dự toán Quốc hội giao khoảng 5%, tỷ lệ nợ đọng thuế là 5%. Tỷ lệ chi đầu tư phát triển 27-27,5%.

Kỷ luật ngân sách được siết chặt hơn, tỷ trọng chi thường xuyên còn 63-63,5% (chỉ tiêu Trung ương giao dưới 64%), bội chi ngân sách dưới 3,6%GDP.

Chính phủ cũng phấn đấu đưa nợ công so với GDP 61,3%. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống dưới 5%.

Mức tăng trưởng được Chính phủ đưa ra có nhiều điểm trùng khớp với các dự báo của các  tổ chức trong và ngoài nước.

Báo cáo mới nhất của VCBS dự kiến GDP 2019 Việt Nam tăng khoảng 6,6 – 6,8%. Trong đó, đầu tàu tăng trưởng vẫn là các doanh nghiệp FDI lớn với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, phục vụ sản xuất. Khu vực dịch vụ và công nghiệp chế biến-chế tạo nhiều khả năng tiếp tục là điểm sáng.

 

Tỷ lệ lạm phát năm 2019 được dự báo ở mức 4 – 4,5% và chịu tác động đáng kể từ diễn biến giá cả hàng hóa ở mức cao. Dư địa để tiếp tục đẩy lùi lộ trình tăng giá của các dịch vụ công là không nhiều, theo VCBS.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hồi cuối tháng 12 dự báo Việt Nam sẽ tăng 6,8% trong năm 2019.

Về tình hình kinh tế trong thời gian tới, ADB bày tỏ quan ngại đối với những rủi ro có thể đến từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Ông Yasuyuki Sawada Trưởng Ban Kinh tế của ADB cho biết: "Thỏa thuận tạm ngừng nâng thuế quan thương mại giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là rất đáng hoan nghênh, song xung đột chưa được tháo gỡ vẫn là nguy cơ chính đối với triển vọng kinh tế của khu vực".

Còn nghiên cứu của World Bank cho rằng kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được sự vững vàng dù có nhiều trở lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, đi theo xu hướng chung của thế giới, tăng trưởng của nền kinh tế hơn 90 triệu dân sẽ giảm dần ở các năm 2019 – 2020.

GDP Việt Nam được dự báo sẽ giảm dần xuống mức 6,6% và 6,5% trong năm 2019 và  2020.

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam của ANZ dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 là 7%. Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ANZ cho rằng Việt Nam có thể có được những lợi ích nhất định từ cuộc xung đột này, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng mạnh trong sáu tháng qua, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xây dựng và sản xuất; và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Đây sẽ là yếu tố giúp kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng cùng với việc các cơ sở sản xuất được mở rộng, các ngành kinh tế như du lịch tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, ANZ cho rằng kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức như việc cần tập trung đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu, giữ cho tăng trưởng tín dụng không quá mạnh và tăng cường các bảng cân đối của khu vực tài chính.

Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (NCIF) lại đưa ra mức dự báo cao nhiều so với các tính toán thận trọng của nhiều tổ chức khác. mức tăng trưởng theo NCIF sẽ trong khoảng 6,9 – 7,1% trong giai đoạn tiếp theo.

NCIF cho rằng nền kinh tế được hỗ trợ bởi 3 động lực bao gồm phát triển khu vực tư nhân, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh và việc phát triển khoa học công nghệ, nâng cao năng suất lao động.

Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước cũng phải đối diện với một số thách thức. Đơn cử như tăng trưởng kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền ở mức cao sẽ khiến kéo dài tiềm ẩn rủi ro về nợ quốc gia và mất ổn địnkinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, tài chính quốc gia có độ mở cao hơn trình độ phát triển của nền kinh tế và câu chuyện tỷ lệ nợ công cao, nghĩa vụ trả nợ lớn cũng là những vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế được NCIF đặc biệt cảnh báo Chính phủ cần lưu tâm trong giai đoạn 2019 – 2020.

Hà Thu (T/H)

Theo Trí thức trẻ

Theo Trí thức trẻ