Việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương trước hết là thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...
Đất đai có ngáng chân quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hay không vẫn là câu chuyện khó ngã ngũ. Về phía Chính phủ, như khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là cơ bản không còn vướng mắc, nhưng về phía dư luận thì vẫn nhiều tâm tư.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn dẫn nhận định của Kiểm toán Nhà nước cho rằng hầu hết các tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đều không tính giá trị đất đai, lợi thế sử dụng đất đai vào giá trị doanh nghiệp. Các thông số cơ bản xác định giá đất đều không thể hiện hết tính hiệu quả trong xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá.
Thất thoát, lãng phí đất đai rất lớn
Ông Sơn cũng nêu lên thực tế, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính vào giá khởi điểm để đấu giá bán cổ phần nên giá trúng đấu giá cao hơn nhiều giá khởi điểm như Công ty cổ phần khách sạn Kim Liên có giá khởi điểm bán đấu giá là 30.600 đồng/cổ phần nhưng giá trúng lên tới 274.200 đồng/cổ phần.
Hay có trường hợp thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm theo Nghị định số 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, tiền thuê đất cũng không tính vào giá trị doanh nghiệp... Tóm lại, vấn đề đất đai trong cổ phần hóa là rất lùng nhùng và nếu không gỡ được nút thắt này, thì không thể đảm bảo được chất lượng cũng như tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Giải thích về các quy định trong quản lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trước khi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai thì tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất đai của doanh nghiệp nhà nước là rất lớn.
Theo đó, nguyên nhân là do các quy định của hệ thống pháp luật đất đai cũng như quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp chưa xem xét việc doanh nghiệp nhà nước phải có phương án rà soát, sử dụng quỹ đất nên nguồn lực đất đai chưa được quản lý, đánh giá về giá trị đất đai.
Bên cạnh đó, khi tính giá trị của doanh nghiệp thì không tính giá trị đất đai vào cũng là không sai vì khi giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thu tiền hàng năm, thu tiền sử dụng đất một lần nên việc đưa ngay giá trị đất đai vào giá trị doanh nghiệp là không thể.
Phải có phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa
Tuy nhiên, đó là các vấn đề thuộc về quá khứ. Theo ông Trần Hồng Hà, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP đã quy định rõ phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có trách nhiệm rà soát toàn bộ quỹ đất đang sử dụng để lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định trước khi cổ phần hoá.
Qua đây, Nhà nước có thể thu hồi các quỹ đất doanh nghiệp quản lý lỏng hay sử dụng không hiệu quả. Bên cạnh đó, nghị định cũng quy định các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý phải công khai việc xác định giá đất trong quá trình cổ phần hóa, tránh thất thoát tài sản nhà nước.
"Chúng tôi đang thanh tra, kiểm tra các cuộc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có đất vàng, trên cơ sở phát hiện sự thiếu minh bạch, không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện nay thì có biện pháp xử lý thích hợp", Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết, "cùng với đó, Bộ Tài chính đã tham mưu ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần sẽ cải thiện tình hình đất đai khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước".
Cùng giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai quy định rõ Chính phủ thực hiện quyền sử dụng đất đối với các doanh nghiệp nhà nước. Các quy định pháp luật cũng quy định các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá phải hoàn thành phương án sử dụng đất đai phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương và kế hoạch sử dụng đất phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nghị định số 126/2017/NĐ-CP cũng quy định công ty cổ phần sử dụng đất đúng mục đích. Sau 60 ngày cổ phần hoá, doanh nghiệp phải thực hiện trả tiền thuê đất hàng năm, sát giá thị trường. Doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích được phê duyệt thì phải trả đất cho Nhà nước. Về thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thì xác định giá trị sử dụng đất qua hình thức đấu giá theo Nghị định số 32 của Chính phủ.
"Nhiều ý kiến đại biểu nêu rằng vướng mắc quản lý sử dụng đất có ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa của doanh nghiệp hay không? Chúng tôi cho rằng cơ bản không vướng mắc", ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ quan điểm, "trên thực tế vừa qua cũng có một số trường hợp không đấu giá, dẫn đến dư luận tâm tư, nhiều ý kiến cho rằng thất thoát và lãng phí. Việc quản lý, sử dụng chặt chẽ đất đai sau cổ phần hóa ở mỗi địa phương, mỗi địa bàn trước hết là thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh".
Theo Nguyên Mẫn
Vneconomy
Vneconomy