Cần xử lý doanh nghiệp lợi dụng tăng giá
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xăng dầu chiếm khoảng 30% giá cước vận tải. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) vận tải luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu nên không bao giờ họ tự hạ giá giá cước. Nghịch lý là, khi giá xăng tăng lập tức DN tăng giá cước. Thế nhưng khi yêu cầu giảm, DN thường vin nhiều lý do giải thích cho việc chưa, hoặc không giảm giá cước như: Tổng mức tăng giá xăng dầu qua các lần điều chỉnh tăng vẫn cao hơn tổng mức giảm, mỗi lần điều chỉnh mất thời gian, tốn kém chi phí do phải cài lại đồng hồ, in lại hóa đơn...
Ông Long cho rằng, những lý do DN đưa ra không hợp lý. Chuyên gia này cũng đề xuất, cần xử phạt hành chính đối với các DN không thực hiện yêu cầu kê khai lại giá theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý Nhà nước cần kiểm tra yếu tố hình thành giá; tiến hành xử phạt hành chính, buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do việc lợi dụng cơ chế thị trường để định giá bất hợp lý theo Nghị định số 109/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn.
Thật lạ, khi được hỏi về vấn đề Bộ Tài chính có kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo các hiệp hội vận tải, DN vận tải xem xét điều chỉnh giá cước không, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính lấy lý do không làm việc qua điện thoại, đề nghị phóng viên liên hệ với Văn phòng Bộ Tài chính để được giải quyết.
“Từ 1/1/2019, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng kịch trần, chắc chắn sẽ làm cho chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh tăng lên. Mức lương cũng được điều chỉnh từ đầu năm mới. Trong khi đó, cuối năm nhu cầu đi lại, mua sắm, tiêu dùng của người dân lên cao, nếu các cơ quan chức năng không có biện pháp kiểm soát tốt sẽ khiến cho giá cước vận tải, giá cả hàng hóa tiêu dùng được đà tăng lên”, chuyên gia Ngô Trí Long lo ngại.
Ẩn số với kiểm soát lạm phát
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá xăng dầu giảm mạnh vào những ngày cuối năm tuy không giúp giá cả hàng hoá, cước vận tải giảm ngay nhưng đã phần nào làm giảm áp lực lên lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 giảm 0,29% so với tháng 10, tác động lớn nhất đến từ diễn biến giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm vào ngày 6/11 và ngày 21/11/2018, tổng cộng giá xăng A95 giảm 2.230 đồng/lít, giá xăng E5 giảm 2.060 đồng/lít, giá dầu diezen giảm 980 đồng/lít nên bình quân tháng 11/2018, giá xăng dầu giảm 4,1% so với tháng 10, đóng góp giảm CPI chung 0,17%.
Giám đốc Phát triển Trường ĐH Fulllbright Việt Nam Nguyễn Xuân Thành cho rằng, lạm phát bình quân cả năm 2018 ước khoảng 3,6%. Nguyên nhân, do giá hàng hóa thế giới tăng cao, tác động đến giá lương thực thực phẩm trong nước và chi phí sản xuất. Biến động giá dầu nửa đầu năm cũng tạo áp lực lên lạm phát, lúc đó quan ngại tiệm cận 4%. Tuy nhiên, nhờ Chính phủ có các quyết sách kiểm soát tín dụng tăng chậm lại, chính sách tiền tệ không mở rộng, giá dầu nửa cuối 2018 lại giảm, từ đó lạm phát được duy trì không vượt quá ngưỡng 4%.
Hiện CPI của Việt Nam chỉ bị phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu, còn thực phẩm chỉ biến động vào dịp Tết và thời tiết biến động như mưa bão, dịch bệnh. Nhìn chung, giá lương thực thực phẩm hiện tương đối ổn định vì nguồn cung dồi dào.
Nhiều chuyên gia lo ngại, giá xăng dầu sẽ vẫn là ẩn số đối với việc kiểm soát lạm phát. Do đó, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới, chủ động nâng nguồn cung Quỹ bình ổn giá xăng dầu, sử dụng linh hoạt các biện pháp điều hành giá xăng dầu như công cụ thuế nhập khẩu, quyết định mức chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong từng kỳ điều hành hợp lý và linh hoạt.
Cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp ổn định, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gà, thịt lợn, đường sữa, dầu ăn. Với các doanh nghiệp vận tải, phải có cơ chế đủ mạnh để quản lý. Không để giá xăng tăng thì ngay ngày hôm sau giá cước đã được điều chỉnh, còn khi giá xăng giảm, giá cước vẫn đứng im.