Trong năm qua, công tác phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở phục vụ an sinh xã hội tiếp tục có kết quả khả quan. Thị trường BĐS ổn định, phát triển tốt, chưa có dấu hiệu cực đoan.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS và nhà ở năm 2018 vừa qua cho biết, trong năm, cả nước đã hoàn thành khoảng 58 triệu m2 nhà ở, đưa diện tích bình quân nhà ở toàn quốc lên 24m2 sàn/người (tăng 0,6% so với năm 2019). Các chương trình nhà ở phục vụ an sinh xã hội như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL, Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp tiếp tục được quan tâm, thực hiện cơ bản đúng tiến độ.
Đặc biệt, Chính phủ và Quốc hội đã bố trí đủ vốn để thực hiện dứt điểm Chương trình nhà ở cho người có công. Cả nước cũng đã, hoàn thành khoảng 5.800 căn nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 290.000m2.
Cùng với đó, thị trường BĐS cơ bản được kiểm soát, tiếp tục tăng trưởng, chưa có dấu hiệu bất thường, cực đoan lớn. Cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng và được điều chỉnh từng bước hướng tới đáp ứng yêu cầu của nhiều tầng lớp người dân và thị trường.
Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh số thị trường BĐS tăng 4,12% so với cùng kỳ; số DN BĐS đăng ký mới là 3.300 DN, tăng 44,2%. Tổng vốn đầu tư vào các dự án BĐS đang triển khai đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS tính đến tính đến quý III/2018 là 465.688 tỷ đồng (giảm 2,84% so với quý II/2018).
Tính đến ngày 20/12/2018, tổng giá trị tồn kho BĐS còn khoảng 22.825 tỷ đồng, so với lúc đỉnh điểm ở quý I/2013 đã giảm 105.723 tỷ đồng (giảm 82,24%); so với 20/12/2017 giảm 2.557 tỷ đồng (giảm 10,07%); so với 20/10/2018 giảm 150 tỷ đồng.
Trong dài hạn, Bộ Xây dựng đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp thị trường, cơ chế chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”, dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, hiệu quả, và đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Đề án “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS” (dự kiến hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2019);
Bộ cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về tăng cường quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ TN&MT và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương thực hiện một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư và khắc phục kịp thời các hạn chế, bất cập trong thời gian qua.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng nhận định, việc quản lư và kiểm soát thị trường BĐS tại một số địa phương chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn; việc đầu tư, phát triển các dự án BĐS không theo quy hoạch và kế hoạch, chưa phù hợp với nhu cầu của thị trường và điều kiện thực hiện. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí cho phát triển nhà ở xã hội còn thấp và không kịp thời. Bên cạnh đó, việc khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế do lợi nhuận thấp.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung tăng cường kiểm soát thị trường BĐS, bảo đảm sự ổn định, tăng cường bền vững, hiệu quả, không để xảy ra các hiện tượng tiêu cực. Tổ chức, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện đề án “đánh giá tình hình thị trường, dự báo xu hướng trung hạn, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách để thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh”; hoàn thành và triển khai đề án: “An ninh kinh tế trong lĩnh vực nhà ở và thị trường BĐS bảo đảm an ninh xã hội”.
Tiếp tục phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về vốn, cơ chế chính sách, nhất là nguồn vốn cho chương trình hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng và phát triển nhà ở xã hội.
Báo xây dựng
Báo xây dựng