Huyền thoại về Bia Guinness

Thứ ba, 18/12/2018, 14:11 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Guinness là một hãng bia đen nổi tiếng của Ireland và có nguồn gốc từ nhà máy bia của Arthur Guinness (1725-1803) tại St.James's Gate, Dublin. Guinness là một trong những tên tuổi lớn nhất trên thị trường bia thế giới. Nó được nấu trên 60 quốc gia và được bán trên 150 đất nước. Ước tính gần 100 triệu lít Guinness được bán ra mỗi năm, bình quân gần 2,7 triệu lít một ngày hay 1.800 lít được tiêu thụ mỗi phút.

Guinness có hương vị rất đặc biệt do được nấu từ những hạt lúa mạch, men bia và một loại hoa đặc biệt. Lúa mạch được nướng lên trước khi dùng để nấu. Loại bia này mỗi khi rót ra cốc luôn có một lớp kem trắng phủ trên vì khi nấu bia được pha lẫn với nitơ, khác với các loại bia thông thường được trộn CO2. 
 
 


Không chỉ có người Ireland mới ưa chuộng bia Guinness mà dân sành bia trên thế giới không ai không biết đến Guinness.

Guinness  là hãng bia bán chạy nhất Ireland, mang lại cho công ty Guinness & Co. €2 tỉ mỗi năm. Công ty Guinness có trụ sở ở London từ năm 1932. Họ hợp nhất với công ty Grand Metropolitan vào năm 1997.

Lịch sử.

Vào năm 1759, Arthur Guinness, một người đàn ông 34 tuổi chỉ với một chút ít kinh nghiệm nấu bia, đã thuê một nhà máy làm bia bị bỏ hoang tại Dublin, có tên St. James Gate. Ông đã kí hợp đồng thuê nhà máy thời hạn 9.000 năm với giá  chỉ 45 bảng Anh một năm. Đây có thể là một trong những hợp đồng thuê nhà máy có thời hạn dài nhất trên thế giới.

Đúng 250 năm sau, Guinness trở thành hãng nấu bia đen nổi tiếng nhất thế giới và là niềm tự hào của người Ireland. Sự thành công của loại bia này là do hương vị độc đáo và những chiến dịch quảng cáo đầy sáng tạo.

Năm 2009, Guinness tổ chức kỉ niệm 250 năm ngày thành lập, được gọi là "Ngày Arthur". Đúng 17:59 ngày 24 tháng 9 năm 2009 (giờ địa phương vòng quanh thế giới, những người yêu bia đen sẽ nâng cốc để tưởng nhớ người đàn ông đã làm nên tất cả.

Tham quan kho chứa bia của Guinness.

Kho chứa bia của Guinness là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của Dublin. Du khách đến Dublin mà chưa đến thăm kho chứa bia Guinness, tháp Guinness để được thưởng thức một cốc bia đen chính hiệu thì coi như chưa đến Dublin. Nhiều người đồng ý rằng bia Guinness bán tại Ireland ngon hơn hẳn so với bia Guinness được bán tại các nước khác. Phải chăng điều này cũng tương đồng với loại bia hơi Hà Nội ngon nổi tiếng và mang đậm hương vị mà chỉ ở Hà Nội mới có.

Từ một nhà máy nấu bia, St James Gate giờ đã trở thành một bảo tàng của Guinness với 7 tầng lầu. Tầng trên cùng là quầy bar Gravity, có tầm nhìn 360 độ quanh thành phố Dublin, nơi mà du khách có thể nhận một cốc bia Guinness miễn phí.

Vé vào cửa bar Gravity

   Người lớn : € 14,85
   Học sinh trên 18 tuổi : € 13,00
   Vé gia đình : € 40,00
   Học sinh dưới 18 tuổi : € 10,50
   Người cao tuổi : € 13,00
   Trẻ em từ 6-12 tuổi : € 6,50

Những điều bạn chưa biết về Guinness.

1. Arthur Guinness chưa bao giờ nấu bia stout (loại bia đen hiện nay).

Arthur Guinness ban đầu chỉ nấu những loại bia thường và vào những năm 1770, khi mà Porter (loại bia đen từ xưa) bắt đầu nổi lên ở Dublin, ông bắt đầu nấu thử bia Porter. Vào năm 1799, Guinness quyết định chú tâm vào nấu bia porter.

2. Ba trong số năm nhà máy bia của Guinness nằm ở Châu Phi.

Mặc dù ngày nay bia Guinness được nấu trên 60 đất nước và được bán trên 150 nước, hãng Guinness chỉ sở hữu 5 nhà máy trên thế giới, kể cả nhà máy St. James Gate ở Dublin. Một ở Châu Á (Malaysia), số còn lại nằm ở Châu Phi (Nigeria, Ghana và Cameroon).

3. Guinness đã giúp sửa lại nhà thờ St. Patrick.

Một điều nữa bạn có thể chưa biết về Guinness này là Guinness đã giúp sửa sang lại nhà thờ St. Patrick nổi tiếng.

Vào thời của Arthur Guinness, ông đã đóng góp 250 guineas (tiền vàng của nước Anh xưa) cho nhà thờ St. Patrick nhỏ bé hồi đấy. Sau đó cháu trai của ông, Benjamin Lee Guinness, trong những năm từ 1860 và 1865 đã đóng góp £150,000 để sửa sang nhà thờ cũ này. Hiện nay, bức tượng của Benjamin được đặt trong khu vực của nhà thờ.

4. Chuột chết không làm nên hương vị của Guinness.

"Truyền thuyết" chuột chết đã làm nên hương vị cho Guinness chỉ là lời đồn. Có lời đồn rằng "Ban đầu, bia Guinness không được độc đáo và ngon cho đến khi một số con chuột chết được tìm thấy trong một thùng bia, nó chứa một loại bia Guinness đậm đà. Sự thành công của hương vị Guinness là dùng xương chuột để nấu bia". Đây chỉ là một câu chuyện hoang đường.

 

Người viết : tien123