HoREA cho biết theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011-2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 36.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn...Theo kết quả thực hiện của các địa phương, đến nay chỉ mới thực hiện được khoảng 30% kế hoạch đã đề ra.
Về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, văn bản của HoREA nhấn mạnh năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về khung lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội: "Lãi suất vay không thấp hơn lãi suất cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/08/2015 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời không vượt quá lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định 100/2015/NĐ-CP"; Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là 5%/năm.
Căn cứ quy định của Luật Nhà ở 2014, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định 04 tổ chức tín dụng là Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV tham gia cấp tín dụng nhà ở xã hội. Theo quy định tại khoản (5.b) điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 thì "Lãi suất cho vay ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho từng thời kỳ".
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất và cùng thực hiện cơ chế gửi tiết kiệm nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, Agribank, BIDV.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất như lãi suất trên đây đối với cả người mua nhà ở xã hội theo gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp đô thị.
Về quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, HoREA cho biết hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đã phủ kín quy hoạch phân khu chi tiết 1/2000. Theo quy định của Luật Nhà ở thì phát triển nhà ở xã hội phải theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị và theo dự án. Hiệp hội kiến nghị Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường trình Thành phố phê duyệt quy hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại vừa và nhỏ (trong đó có khoảng 25% là loại căn hộ nhỏ có diện tích từ 25m2 đến 45m2 ở một số quận ven và các huyện ngoại thành), giá thấp, để hình thành các khu đô thị vệ tinh theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng (dự kiến sắp ban hành).
Bên cạnh đó, TPHCM cũng cần sử dụng hiệu quả quỹ đất công; quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại để làm NOXH như yêu cầu của Luật Nhà ở. HoREA cho là quy định “dự án có quy mô từ 10 ha trở lên phải xây NOXH ngay bên trong dự án” có thể chưa phù hợp. Vì vậy nên cho phép tất cả các nhà đầu tư được lựa chọn 1 trong 3 phương án gồm: Xây dựng NOXH tại dự án; Hoán đổi quỹ đất hoặc quỹ NOXH có giá trị tương đương tại vị trí khác; hoặc cho DN bất động sản thanh toán bằng tiền. Nguồn thu được này sẽ được đầu tư vào các dự án phát triển NOXH theo quy hoạch của địa phương.
Theo Trí thức trẻ
Theo Trí thức trẻ