Giá xăng dầu giảm lần thứ 5: Cước taxi, vận tải tiếp tục bất động

Thứ sáu, 28/12/2018, 09:41 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Điệp khúc “đang xem xét”

Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giảm giá xăng dầu lần thứ 5 trong 2 tháng qua. Như vậy, tính tổng 5 lần giảm gần nhất, giá xăng giảm khoảng 4.000 đồng/lít, về dưới mức 17.000 đồng/lít. Bình quân mỗi lần giảm khoảng 800 đồng/lít.

Về phía các hãng vận tải, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội (Phó Tổng giám đốc Cty CP Mai Linh Đông Đô) cho rằng, với taxi truyền thống tại Thủ đô giá cước đã giữ từ tháng 2/2016 tới nay. Trong thời gian qua, giá xăng có thời điểm lên hơn 21.000 đồng, giá cước taxi vẫn giữ, nay giá xăng giảm xuống dưới 17.000 đồng, các hãng đang tiếp tục theo dõi. Theo ông Hùng, hiện các hãng taxi truyền thống gặp không ít rào cản nếu muốn điều chỉnh giá, như phải dừng khai thác xe để điều chỉnh đồng hồ tính cước; chi phí điều chỉnh đồng hồ 110.000 đồng/xe, in lại biển thông báo giá cước hết 30.000 đồng/xe…

“Giá xăng tăng hoặc giảm 10-15% giá cước taxi mới điều chỉnh. Tuy nhiên, giá xăng dầu giờ điều chỉnh mỗi lần 15 ngày, trong khi quy định cước taxi lại phức tạp, nên doanh nghiệp cũng khó đáp ứng kịp nhịp điều chỉnh giá xăng”, ông Hùng nói. Do đó, vị này đề xuất, để cước taxi linh hoạt, cần các quy định thông thoáng hơn, chi phí tiết kiệm hơn. Trong khi các đơn vị kinh doanh vận tải qua phần mềm điều chỉnh giá theo giờ, thì taxi truyền thống muốn điều chỉnh vướng quá nhiều thủ tục.

Giá xăng dầu giảm lần thứ 5: Cước taxi, vận tải tiếp tục bất động - 1Giá xăng E5 ron92 giảm xuống còn 16.787 đồng mỗi lít vào 15g chiều ngày 21/12. Ảnh: Như Ý

Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Ô tô Thái Nguyên cho rằng, dù giá xăng dầu giảm 5 lần, nhưng mỗi lần cũng chỉ vài trăm đồng, trong khi tăng có lần tới hơn 1.000 đồng/lít. Dù vậy, sau các lần giảm giá xăng dầu gần đây, theo ông Hà, các đơn vị thành viên của hiệp hội đã họp và có thể sẽ điều chỉnh cước taxi trong những ngày tới. “Có thể các doanh nghiệp taxi trên địa bàn sẽ giảm từ 1.000 - 1.500 đồng/km, xe khách tuyến cố định và xe buýt cũng giảm giá”, ông Hà tiết lộ. Cùng đó, thời điểm Tết sắp tới, các doanh nghiệp thuộc hiệp hội này cũng cam kết không tăng giá cước vận tải. Ông Hà kỳ vọng thời gian tới các quy định mang tính thủ tục hành chính, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp vận tải sẽ được cắt giảm, để doanh nghiệp điều chỉnh giá cước thuận lợi hơn.

Với vận tải hành khách tuyến cố định, Chủ nhiệm Hợp tác xã dịch vụ vận tải Thăng Long (Hà Nội) Bùi Danh Liên cho biết, trong 2 năm qua, giá xăng dầu tăng nhiều nhưng các doanh nghiệp vận tải chưa dám điều chỉnh. Theo ông Liên, thời gian qua xe dù, bến cóc phát triển nhiều, nên cạnh tranh giữa xe vào bến và ngoài bến rất căng thẳng. Những xe vào bến lượng khách ngày càng giảm, nên giá xăng dầu tăng các đơn vị cũng không dám điều chỉnh vì mất khách, như tuyến Hà Nội - Vinh vẫn giữ 180.000 đồng/vé từ 3-4 năm qua. Thực tế, hợp tác xã này đã có 30% số xe dừng hoạt động, hoặc chuyển ra chạy vào các bến cóc để kéo khách.

Theo ông Liên, giá cước vận tải thời gian qua gồm những chi phí gì, tiền nhiên liệu chiếm bao nhiêu chưa ai tính cụ thể, khoa học. “Tất cả những tính toán chi phí nhiên liệu thời gian qua chỉ mang tính ước lượng, cảm tính của từng người. Thực tế giá vận tải đưa ra thời gian vừa qua chưa thuyết phục, không rõ ràng, khoa học như giá vé đường sắt, hàng không”, ông Liên nói. Ngoài ra, theo ông Liên, việc quản lý cước vận tải hiện nay chưa hiệu quả, dù đẩy từ ngành tài chính, sang ngành giao thông, nhưng mọi thứ vẫn thế.

Giám sát chưa tốt

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) cho rằng, cước vận tải dù muốn theo thị trường vẫn phải có sự quản lý nhà nước, vì vận tải là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng. Theo ông Thuỷ,  khi giá xăng tăng cước vận tải tăng, nhưng khi xăng giảm cước vận tải không giảm, điều đó chứng tỏ sự giám sát của quản lý nhà nước chưa tốt. “Dù thị trường, nhưng không phải ai muốn làm gì cũng được, phải đảm bảo công bằng với người tiêu dùng, không để lộn xộn và đảm bảo môi trường, cạnh tranh công bằng, đó là trách nhiệm cơ quan quản lý”, ông Thủy nói. Theo ông Thuỷ, các vướng mắc, phức tạp, tốn kém khi điều chỉnh cước taxi là lỗi của các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ GTVT và Bộ Tài chính. “Giá xăng dầu này đã được điều chỉnh linh hoạt, trong khi giá taxi vẫn quản lý theo truyền thống cũ của thời giá xăng dầu do nhà nước định giá, nên không tương thích với nhau. Cuối cùng vẫn là thiệt hại cho người tiêu dùng, vì doanh nghiệp luôn muốn giữ giá cao để có lợi nhuận lớn nhất”, ông Thuỷ nói.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) phân tích, theo Luật Giá, nhà nước điều hành giá thông qua quỹ bình ổn, hoặc quy định một số loại giá dịch vụ. Tuy nhiên, giá cước vận tải không nằm trong danh mục này, mà theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự chủ, tự định giá của tổ chức, cá nhân. Nhà nước chỉ giám sát qua kê khai của doanh nghiệp.

Chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT) cho rằng, cước vận tải dù muốn theo thị trường vẫn phải có sự quản lý nhà nước, vì vận tải là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng. Theo ông Thuỷ,  khi giá xăng tăng cước vận tải tăng, nhưng khi xăng giảm cước vận tải không giảm, điều đó chứng tỏ sự giám sát của quản lý nhà nước chưa tốt.

Xăng E5 RON92 giảm xuống dưới 17.000 đồng/lít

Theo quyết định của Liên Bộ Công Thương – Tài chính, từ 15h ngày 21/12, giá bán lẻ mặt hàng xăng E5RON92 giảm thêm 394 đồng xuống còn 16.787 đồng/lít.

Mặt hàng xăng RON95-III giảm 318 đồng/lít, xuống còn 18.141 đồng/lít. Dầu diesel 0.05S giảm 257 đồng, xuống còn 16.001 đồng/lít trong khi dầu hỏa giảm 249 đồng/lít xuống còn tối đa 15.003 đồng/lít bán lẻ. Mặt hàng dầu mazut 180CST 3.5S giảm 394 đồng/kg xuống còn 14.008 đồng/kg.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với mặt hàng xăng E5RON92 như hiện hành. Mức trích lập Quỹ với xăng RON95 là 1.000 đồng/lít; dầu diesel là 1.200 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 1.200 đồng/lít và mức trích quỹ với dầu mazut là 1.400 đồng/kg.

Đây là lần thứ tư liên tiếp trong vòng 2 tháng qua, giá xăng được điều chỉnh giảm với mức giảm tổng cộng xấp xỉ 4.000 đồng/lít.

Thục Quyên

  

Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)

Người viết : tien123