Đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu “tệ” nhất năm 2018: Nhiều sao sáng đánh mất phong độ

Thứ năm, 27/12/2018, 08:54 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Ngay cả những cổ phiếu từng được coi là ngôi sao sáng trong suốt nhiều năm trên TTCK Việt Nam như VNM, DHG, VCS, HBC…cũng chưa biết khi nào sẽ ngừng rơi.

Năm 2018 dần khép lại với những diễn biến không thực sự tích cực của TTCK Việt Nam. Sau khởi đầu "đẹp như mơ" khi Vn-Index lần lượt vượt mốc 1.000 điểm ngay trong những ngày đầu năm mới, rồi tiếp tục vượt đỉnh lịch sử 1.200 điểm vào đầu tháng 4, thị trường đã bước vào nhịp điều chỉnh kéo dài.

Kết thúc phiên giao dịch 26/12/2018, chỉ số Vn-Index chỉ còn 891 điểm, giảm 26% so với đầu năm. Với diễn biến kém thuận lợi trong năm vừa qua, không bất ngờ khi thị trường xuất hiện rất nhiều cổ phiếu giảm sâu. Ngay cả những cổ phiếu từng được coi là ngôi sao sáng trong suốt nhiều năm trên TTCK Việt Nam như VNM, DHG, VCS, HBC…cũng chưa biết khi nào sẽ ngừng rơi.

Nếu coi mỗi cổ phiếu là một cầu thủ đá bóng thì dưới đây là đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu có "phong độ" kém tích cực nhất do chúng tôi bầu chọn:

Đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu “tệ” nhất năm 2018: Nhiều sao sáng đánh mất phong độ - Ảnh 1.

Đội hình 11 cổ phiếu "tệ" nhất năm 2018 với mức giảm trên số áo (dữ liệu tại ngày 26/12)

Vị trí thủ môn: Dược Hậu Giang (DHG)

Vị trí thủ môn trong đội hình "bết bát" năm 2018 có lẽ không có cái tên nào xứng đáng hơn DHG. Được coi là cổ phiếu phòng thủ và về lý thuyết sẽ thu hút dòng tiền khi thị trường suy yếu, tuy nhiên những diễn biến trong năm qua của DHG lại không thực sự tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 26/12, thị giá DHG chỉ còn 75.700 đồng/cp, giảm tới 33% so với đầu năm.

Việc cổ phiếu DHG kém tích cực trong năm qua có nguyên nhân chủ yếu từ KQKD kém khả quan với doanh thu, lợi nhuận sụt giảm.

Đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu “tệ” nhất năm 2018: Nhiều sao sáng đánh mất phong độ - Ảnh 2.

Cổ phiếu phòng thủ DHG cũng giảm mạnh

Trong năm qua, DHG đã hoàn tất việc nới room ngoại lên 100%, nhưng doanh nghiệp này đã phải "trả giá" khi từ bỏ một số ngành nghề kinh doanh như bán hàng của đơn vị khác sản xuất, kinh doanh bao bì. Hoạt động kinh doanh vì thế bị ảnh hưởng và chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc tự sản xuất. Bên cạnh đó, SCIC vẫn chưa có lộ trình thoái vốn cụ thể cũng ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến cổ phiếu.

Vị trí hậu vệ: Vicostone (VCS), Vinamilk (VNM), Habeco (BHN), Kido Foods (KDF)

Trong bộ tứ hậu vệ, VNM là một trong những cái tên có phong độ ổn định nhất trên TTCK Việt Nam suốt nhiều năm. Tuy nhiên trong năm 2018, diễn biến VNM không thực sự tích cực và có lẽ bắt nguồn từ câu chuyện tăng trưởng của "vua sữa" Việt Nam đang chững lại. Trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu của Vinamilk tăng nhẹ 2% lên 39.600 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế giảm 8% xuống 9.400 tỷ. VNM hiện cũng không còn là lựa chọn yêu thích của nhiều quỹ ngoại tại Việt Nam.

"Đá cặp" với VNM ở vị trí trung vệ là BHN. Cũng là mặt hàng tiêu dùng và được xét vào nhóm phòng thủ, tuy nhiên diễn biến cổ phiếu BHN trong năm qua là khá "tệ" khi giảm 36% xuống 82.300 đồng.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của BHN đang gặp không ít khó khăn khi doanh thu, lợi nhuận, thị phần đều sụt giảm trước áp lực cạnh tranh của nhiều đối thủ cạnh tranh. Không những vậy, việc thoái vốn của Bộ Công thương tại BHN đang gặp không ít rào cản cũng ảnh hưởng đáng kể tới diễn biến cổ phiếu này.

2 vị trí hậu vệ cánh thuộc về VCS và KDF. Sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ, VCS đã có một năm 2018 đáng quên. Cổ phiếu VCS đã mất 34% giá trị trong bối cảnh kết quả kinh doanh những tháng gần đây giảm sút, điều này khiến giới đầu tư lo ngại Vicostone đã bước qua thời kỳ "hoàng kim" của mình.

Đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu “tệ” nhất năm 2018: Nhiều sao sáng đánh mất phong độ - Ảnh 3.

VCS chững lại sau nhiều năm tăng trưởng ấn tượng

 

Một cái tên gây thất vọng nữa trong nhóm "phòng thủ" là KDF khi thị giá cổ phiếu giảm tới 67%. Kết quả kinh doanh nghèo nàn là lý do chính khiến đại gia ngành thực phẩm này giảm sâu. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận KDF đạt vỏn vẹn 45,9 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3/2018, lợi nhuận KDF thậm chí chưa đạt nổi 1 tỷ đồng. Thanh khoản KDF cũng rất kém khi với khá nhiều phiên không có cổ phiếu nào được khớp lệnh.

Theo KDF, việc kết quả kinh doanh kém khả quan do gặp phải cạnh tranh ở phân khúc phổ thông của ngành kem và sữa chua. Ngoài ra, doanh thu từ các sản phẩm hợp tác với Dabaco Foods chưa cao như mong đợi.

Vị trí tiền vệ: SHS, Hoa Sen (HSG), Bình Sơn (BSR), VPBank (VPB)

Cổ phiếu chứng khoán thường có biến động theo xu hướng thị trường chung. Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, nhóm chứng khoán thường là "đầu tàu" giảm điểm. Sau quý 1 thăng hoa rực rỡ, đà giảm điểm của SHS đã kéo dài từ quý 2 tới nay và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính tới hết phiên 26/12, thị giá SHS chỉ còn 12.600 đồng/cp, giảm 40% so với đầu năm.

HSG cũng là một trong những cổ phiếu giảm "nổi bật" trong năm qua. Từng được xếp vào hàng ngũ Bluechips nhưng thị giá HSG hiện ở dưới mức 6.000 đồng/cp, giảm tới 72% so với đầu năm. Việc HSG giảm mạnh đến từ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, công ty gặp phải tình trạng cạnh tranh gay gắt trong nước và rào cản thương mại đối với thép. Bên cạnh đó là những vấn đề liên quan đến tồn kho, nợ vay tăng mạnh bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Tân binh sàn chứng khoán BSR cũng có một năm lên sàn đáng thất vọng. Đại gia ngành dầu khí được kỳ vọng khá nhiều khi lên sàn Upcom vào đầu năm 2018 với mức giá tham chiếu khá cao, 22.400 đồng/cp, nhưng kể từ thời điểm đó tới nay, diễn biến cổ phiếu BSR nhìn chung chỉ là giảm. Kết thúc phiên giao dịch 26/12, thị giá BSR chỉ còn 13.400 đồng/cp, giảm tới 41% so với mức giá chào sàn.

Việc cổ phiếu BSR giảm mạnh có thể đến từ lo ngại của giới đầu tư về tiến độ dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất đang diễn ra khá chậm. Bên cạnh đó là rủi ro cạnh tranh với NMLD Nghi Sơn từ năm 2019.

Đội hình tiêu biểu 11 cổ phiếu “tệ” nhất năm 2018: Nhiều sao sáng đánh mất phong độ - Ảnh 4.

Tân binh BSR gây thất vọng nặng nề trong năm 2018

VPB cũng là cái tên đáng thất vọng trong năm 2018 khi giảm tới 23% so với đầu năm xuống còn quanh ngưỡng 19.000 đồng/cp. Đáng chú ý, trong giai đoạn quý 1/2018, VPB là một trong những cái tên "nóng" nhất thị trường khi có thời điểm cổ phiếu lên trên 40.000 đồng/cp (tính theo giá điều chỉnh).

Diễn biến kém khả quan của VPB có thể đến từ lo ngại công ty con FE Credit tăng trưởng chậm hơn và đóng góp thấp hơn vào thu nhập hợp nhất. Ngoài ra, tăng trưởng cho vay tiêu dùng chậm hơn nhưng nợ xấu cũng có xu hướng tăng mạnh.

Vị trí tiền đạo: DIC Corp (DIG) và Hòa Bình Corp (HBC)

Sau giai đoạn thăng hoa năm 2017; 2018 thị trường bất động sản, xây dựng đang được dự báo sẽ xuất hiện những khó khăn trong năm 2019 và điều này đã được phản ánh ở diễn biến các cổ phiếu như DIG, HBC.

Trong năm 2017, DIG là một trong những cổ phiếu bất động sản "nóng" nhất thị trường với mức tăng hơn 3 lần. Tuy vậy, trong năm 2018 tình hình trái ngược hoàn toàn khi cổ phiếu liên tiếp giảm sâu. Tính tới hết phiên giao dịch 26/12, thị giá DIG chỉ còn 14.500 đồng/cp, giảm 25% so với đầu năm và giảm gần 50% so với đỉnh được thiết lập vào cuối quý 1/2018.

Tương tự, sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, cổ phiếu HBC cũng bắt đầu quá trình điều chỉnh từ cuối năm 2017 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết quả kinh doanh kém khả quan là nguyên nhân quan trọng khiến giá cổ phiếu HBC giảm sâu. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận sau thuế HBC chỉ đạt 501 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Thị giá cổ phiếu HBC tính tới hết phiên 26/12 chỉ còn 17.200 đồng/cp, giảm tới 41% so với đầu năm.

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ

Theo Trí thức trẻ