Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Thanh – Nguyên viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng – NHNN xung quanh câu chuyện tín dụng BĐS sau hơn nửa năm Thông tư 06/2016 có hiệu lực.
Theo đó, kể từ khi Thông tư 06/2016 của NHNN chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, đã có nhiều tác động trực diện đến thị trường BĐS. Cụ thể, hệ số rủi ro của các khoản để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200% và tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của hệ thống ngân hàng cũng giảm từ 60% xuống 50%.
Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, ước tính đến hết tháng 8 năm nay, tín dụng tăng khoảng 11,5% so với cuối năm 2016. Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề và lĩnh vực hầu như không thay đổi so với cuối năm ngoái. Như vậy, tín dụng cho BĐS 8 tháng đầu năm vẫn không thay đổi nhiều.
Dù vậy, sau cùng quãng thời gian ấy, nhiều quan điểm cho rằng tín dụng BĐS đồng thời bị siết chặt hơn (theo cách hiểu thông thường của giới đầu tư, người tiêu dùng) và có những ý kiến trái chiều đánh giá về hiệu quả của chính sách tín dụng mới. Nhất là khi thị trường BĐS những tháng đầu năm có vẻ chững lại, doanh nghiệp lo tín dụng phân bổ không đúng chỗ, một phần doanh nghiệp liên quan như thầu hay vật liệu xây dựng phản ánh kinh doanh đang giảm sút.
Trước lo ngại trên, bà Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết: “Trước hết phải khẳng định tín dụng BĐS, xét về kỳ hạn cho vay là loại hình tín dụng trung và dài hạn; về đối tượng cho vay, là các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, thì việc cho vay chủ yếu là tài trợ dự án BĐS, như xây dựng cao ốc cho thuê, xây dựng trung tâm thương mại, xây dựng đô thị mới,….
Đối tượng vay là cá nhân chủ yếu là cho vay mua nhà ở, cho vay xây dựng nhà ở. Dù là loại hình tín dụng BĐS nào thì các NHTM cũng cho vay dựa trên nguyên tắc cho vay đúng mục đích, đảm bảo thu hồi gốc và lãi đúng hạn như các loại hình cho vay khác".
Cũng theo bà Thanh, với vai trò là cơ quan quản lý các hoạt động tiền tệ tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống, tuân thủ nguyên tắc thị trường, NHNN sử dụng các công cụ gián tiếp để hạn chế dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro. Chẳng hạn, trong thời gian gần đây tín dụng BĐS tăng mạnh, tiềm ẩn rủi ro, hay các dự án BOT giao thông cũng tiềm ẩn rủi ro thì NHNN đã có những cảnh báo cho các NHTM thận trọng cho vay trong những lĩnh vực này, nâng tỷ lệ rủi ro trong cho vay BĐS từ 150% lên 200%.
"Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Quy định về giảm tỷ lệ này cũng có tác động nhất định đến tín dụng BĐS, nhưng không nhiều. Bởi tỷ trọng tín dụng BĐS chỉ chiếm khoảng 30% tổng dư nợ tín dụng trung và dài hạn, còn dự nợ tín dụng trung và dài hạn tăng hay giảm còn phụ thuộc không ít vào khả năng huy động vốn trung dài hạn của các NHTM”, bà Thanh đánh giá.
Bà Thanh khẳng định, quy định liên quan đến tín dụng BĐS của NHNN là những biện pháp gián tiếp, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của các NHTM. Bởi các NHTM cũng là doanh nghiệp, chịu trách nghiệm về hoạt động của mình, hoạt động kinh doanh theo các quy định của pháp luật.
Song, có một vấn đề không thể phủ nhận đó là khi NHNN có những chính sách hạn chế rủi ro trong lĩnh vực cho vay BĐS, cũng có tác động đến hoạt động tín dụng này. Tuy nhiên, tín dụng BĐS tăng trưởng nhanh hay chậm còn phụ thuộc không ít vào chính các NHTM.
“Để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động của ngân hàng mình, nhất là trong giai đoạn tái cơ cầu thì bản thân từng NHTM cũng có các quy định riêng về tín dụng BĐS. Trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của NHNN, cho vay an toàn, hiệu quả.
Do vậy, các NHTM tự lựa chọn các phân khúc thị trường BĐS có độ rủi ro thấp để cho vay. Dòng vốn tín dụng sẽ đổ vào nhưng phân khúc thị trường có độ an toàn cao, tính thanh khoản của thị trường cao. Từ đó, cho thấy sự phân bổ tín dụng này đã thực hiện theo cơ chế thị trường, khó có thể áp đặt theo từng tiêu chí”, bà Thanh giải thích rõ.
Vy Thương
Người viết : tien123