Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam: Thương hiệu chỉ 0 đồng và nhiều dấu hỏi

Thứ hai, 17/12/2018, 12:36 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Ra đời từ năm 1953, đến thời điểm hiện tại, Hãng phim Truyện Việt Nam (VFS) đã sản xuất được hơn 400 bộ phim; trong đó nhiều bộ phim là niềm tự hào của điện ảnh Việt, như Biệt động Sài Gòn, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Chị Tư Hậu, Mối tình đầu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Con chim vành khuyên, Em bé Hà Nội…

Sau gần 60 năm tồn tại, những năm gần đây, VFS rơi vào tình trạng thua lỗ, nợ nần. Thêm vào đó, cơ sở tại số 4 Thụy Khuê ( trụ sở chính) xuống cấp trầm trọng, dẫn đến việc một năm hãng chỉ sản xuất khoảng 2 phim đặt hàng của Nhà nước, còn lại hầu hết các nghệ sỹ đều phải đi kiếm thêm việc làm bên ngoài.

Trước tình trạng trên, năm 2015, Công ty TNHH MTV Hãng Phim truyện Việt Nam nhận được yêu cầu về việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp này được anh em tập thể văn nghệ sỹ đón nhận như “luồng gió mới” với nhiều kỳ vọng về sự “đổi đời” cho một hãng phim già nua. Tuy nhiên, những gì diễn ra sau cổ phần hóa làm các văn nghệ sỹ và những người gắn bó với VFS đau lòng, bức xúc.

Trong lá đơn kêu cứu vừa gửi tới Hội Điện ảnh Việt Nam, tập thể nghệ sỹ, hội viên Chi hội Điện ảnh VFS cho biết, họ đồng tình và thấy rằng việc cổ phần hóa là chủ trương đúng đắn của Nhà nước và là xu hướng tất yếu đối với các đơn vị, doanh nghiệp để thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ trì trệ.

Tập thể văn nghệ sỹ VFS cho biết, khi đón nhận tin cổ phần hóa, ai cũng mong sau khi cổ phần, hãng phim sẽ phát triển, sẽ có nhiều bộ phim hay được sản xuất, hấp dẫn khán giả vì có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp xã hội hóa và đời sống anh chị em nghệ sỹ sẽ được nâng cao.

Hãng phim Truyện Việt Nam. Ảnh: Vạn Xuân

Thế nhưng những gì diễn ra sau đó khiến các văn nghệ sỹ trong hãng bất bình. Sau khi chủ trương cổ phần hóa về tới hãng phim, ông Vương Tuấn Đức, Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Hãng phim đã thành lập Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa - Bộ VHTT &DL gồm 7 người.

Tuy nhiên, theo các nghệ sỹ, hội viên Chi hội, có một điều hết sức kỳ lạ là trong tổ này lại không có các văn nghệ sỹ là những người có tên tuổi, có chức danh, chuyên môn cao và kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm phim. Thay vào đó là những nhân viên phòng tổ chức, thư ký giám đốc được đưa vào Tổ giúp việc.

Tổ giúp việc này, do ông Vương Tuấn Đức làm Tổ trưởng cùng công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp, trước khi cổ phần là Công ty TNHH toán quốc gia VIA và Công ty tư vẩn CPH là Công ty chứng khoán Châu Á - Bình Dương. Các đơn vị này đã đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hóa.

“Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của VFS theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập. Do vậy, sự định giá thương hiệu của VFS bằng 0 là điều bất bình thường khiến toàn bộ giới văn nghệ sỹ trong nước bất bình và đặt câu hỏi về sự minh bạch”, tập thể văn nghệ sỹ hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam nêu rõ.

Việc chọn cổ đông chiến lược có nhiều bất thường?

Không chỉ nghi ngờ có điều bất thường trong việc định giá tài sản của VFS, các hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam còn nghi ngờ ngay cả việc lựa chọn cổ đông chiến lược cũng chứa đựng nhiều điều bất bình thường.

Theo tập thể văn nghệ sỹ hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam, sau khi Tổ giúp việc định giá tài sản VFS là 0 đồng, ngày 13/1/2016, Bộ VHTT&DL ra công bố việc tìm nhà cổ đông chiến lược trên phượng tiện thông tin đại chúng thì ngày 16 đến ngày 18/1/2016 Ban cổ phần hóa & Tổ giúp việc cho đăng 3 kỳ trên báo Kinh tế & Đô thị Hà Nội mà theo các nghệ sỹ là dòng thông báo này "với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi". 

Tiếp đó, ngày 26/1/2016, Ban cổ phần hóa Bộ VHTT & DL tuyên bố hết thời hạn. Vậy là chỉ có 10 ngày cho việc đăng ký đấu thầu làm nhà cổ đông chiến lược Hãng phim truyện Việt Nam. Trong khi đó, khoảng một năm trước đã có sự hiện diện của Tổng Công ty vận tải thủy với hồ sơ đăng ký là nhà cổ đông chiến lược, dày lên tới hàng chục cân giấy.

“Như vậy, rõ ràng hồ sơ đăng ký là cổ đông chiến lược của Tổng Công ty vận tải thủy và thời gian công bố tìm nhà cổ đông chiến lược trên thông tin đại chúng của Bộ Văn Hóa TT& DL là hoàn toàn không khớp và có điều gì uẩn khúc”, tập thể văn nghệ sỹ hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam đặt nghi vấn.

Theo tập thể văn nghệ sỹ hội viên Chi hội Điện ảnh Việt Nam, trước tình trạng trên, thời gian qua, nhiều nghệ sỹ gạo cội của ngành điện ảnh, như NSND Trà Giang; Nhà biên kịch, Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát; Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; NSƯT Đức Lưu; Đạo diễn, NSND, phó giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam Nguyễn Thanh Vân; NSND diễn viên Minh Châu; NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt; NSƯT, Họa sỹ Vũ Huy... vô cùng bức xúc và đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp.

Sau đó, 28/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu: “Rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cồ phần... ". Tuy nhiên, bất chấp chỉ đạo của Thủ tướng, cho đến hôm nay, giá trị thương hiệu vẫn bằng 0 đồng. 

 

Vạn Xuân

Người viết : tien123