CNBC: Giá dầu giảm mạnh cùng chứng khoán, phải chăng đây là dấu hiệu cho cuộc đại khủng hoảng?

Thứ năm, 20/12/2018, 12:44 GMT+7
Share on Facebook Share Zalo Share on Twitter Share on Pinterest Share on Linkedin

Theo hãng Again Capital, giá dầu hiện nay đang ở vùng khá nhạy cảm khi xuống dưới 50 USD/thùng và gần tiếp cận mức thấp 42 USD/thùng của năm 2017.

 

CNBC: Giá dầu giảm mạnh cùng chứng khoán, phải chăng đây là dấu hiệu cho cuộc đại khủng hoảng?

Trong phiên giao dịch 18/12, giá dầu thô đã giảm 7% xuống mức thấp nhất trong hơn 15 tháng qua do Mỹ và Nga vẫn liên tục khai thác dầu ở mức kỷ lục, trong khi các nhà phân tích dự báo thời tiết nóng lên sẽ khiến nhu cầu năng lượng suy giảm.

Giá dầu thô Mỹ (WTI) trong phiên vừa qua đã giảm 3,64 USD/thùng, tương đương 7,3% xuống còn 46,24 USD/thùng. Trong khi đó giá dầu biển Bắc (Brent) giảm 3,35 USD/thùng, tương đương 5,6% xuống chỉ còn 56,26 USD/thùng, mức thấp nhất trong gần 14 tháng qua.

Theo hãng Again Capital, giá dầu hiện nay đang ở vùng khá nhạy cảm khi xuống dưới 50 USD/thùng và gần tiếp cận mức thấp 42 USD/thùng của năm 2017. Nếu tính từ mức đỉnh trong năm 2018, giá dầu thô Mỹ đã mất 40% so với đầu tháng 10/2018, thời điểm giá dầu WTI đạt đỉnh 4 năm, đồng thời giảm giá 23% so với đầu năm.

Giá dầu thô biển Bắc (Brent) cũng đã mất 35% so với mức đỉnh tháng 10/2018 và giảm giá 16% so với đầu năm nay.

CNBC: Giá dầu giảm mạnh cùng chứng khoán, phải chăng đây là dấu hiệu cho cuộc đại khủng hoảng? - Ảnh 1.

Giá dầu thô Mỹ (WTI)

Thị trường dầu thô Mỹ bắt đầu giảm giá mạnh từ phiên 17/12 sau khi báo cáo của hãng Genscape cho thấy lượng dự trữ dầu thô của Mỹ tại Oklahoma đã tăng hơn 1 triệu thùng dầu. Trong khi đó số liệu của American Petroleum Institute cho thấy lượng dự trữ dầu thô Mỹ tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước.

Báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ trong tháng này đã tăng hơn 8 triệu thùng/ngày, đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong lịch sử.

Tại bên kia bán cầu, hãng tin Reuters cho biết Nga đã khai thác 11,42 triệu thùng dầu/ngày trong tháng này, mức cao kỷ lục trong lịch sử dầu mỏ của Nga. Trước đó, Nga đã đạt thỏa thuận với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc cắt giảm sản lượng. Động thái giới hạn sản lượng khai thác của 2 nhà sản xuất dầu lớn đã khiến tình trạng dư thừa dầu suy giảm năm 2017.

Đầu năm 2018, Nga và OPEC dỡ bỏ hiệp ước cắt giảm sản lượng và khiến giá dầu bắt đầu suy giảm do lại thừa cung. Bởi vậy, các nhà sản xuất Nga lẫn OPEC đang có kế hoạch thực hiện một vòng cắt giảm sản lượng mới với 1,2 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng nhu cầu dầu mỏ suy giảm cũng là một phần nguyên nhân khiến giá dầu đi xuống. Ý thức về môi trường, sự trỗi dậy của xe điện và các dạng năng lượng sạch đang khiến nhu cầu dầu mỏ suy giảm. Ngoài ra sự bi quan về tình hình tăng trưởng GDP tại nhiều nước, mối lo chiến tranh thương mại, an toàn hàng không, đồng USD đi lên… cũng tác động mạnh đến giá dầu cùng nhu cầu dầu mỏ.

Chuyên gia phân tích Paul Sankey của Mizuho cho rằng mức dự báo nhu cầu dầu mỏ 1,3 triệu thùng/ngày vào năm 2019 của OPEC có thể là quá cao so với thực tế.

"Giá dầu thấp bởi rất nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ đi xuống, và việc cắt giảm nguồn cung sẽ chẳng giúp ích nhiều nếu nhu cầu không được cải thiện", chuyên gia Sankey nhận định.

Trong khi đó, hãng Goldman Sachs dự đoán giá dầu Brent sẽ hồi phục ở mức bình quân 70 USD/thùng vào năm 2019, nhưng giám đốc phân tích đầu tư mảng hàng hóa của tập đoàn này, ông Jeff Currie cho rằng chúng chẳng thể diễn ra trong ngắn hạn được.

"Thị trường sẽ không phản ứng mạnh với việc cắt giảm sản lượng. Thay vào đó nó sẽ phản ứng mạnh với những chính sách kinh tế, thương mại của Trung Quốc", ông Currie nhận định.

Điều đặc biệt là giá dầu giảm mạnh đồng thời cùng thị trường chứng khoán Mỹ phiên 17/12. Chỉ số công nghiệp Dow Jones và S&P 500 hiện đang có tháng 12 tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1931. Sự mất giá đều của hàng loạt thị trường đang khiến các nhà đầu tư hoang mang liệu có phải một điều vô cùng tồi tệ đang sắp xảy ra.

"Chúng ta đang thấy sự giảm giá không chỉ của riêng dầu mỏ mà hàng loạt các loại hàng hóa khác. Điều này thậm chí đang diễn ra trên hàng loạt loại tài sản khác nhau. Rất hiếm khi chúng ta thấy cổ phiếu, trái phiếu và hàng hóa khác lại giảm giá đồng loạt như vậy", chuyên gia Currie của Goldman Sachs nói.

CNBC: Giá dầu giảm mạnh cùng chứng khoán, phải chăng đây là dấu hiệu cho cuộc đại khủng hoảng? - Ảnh 2.

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

 

AB

Theo Thời Đại/CNBC

Người viết : huong123