Trong vài thập kỷ vừa qua, Bắc Kinh đầu tư bùng nổ ở nước ngoài trên con đường trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cùng lúc đó, nước này còn mua số lượng lớn những tài nguyên thiên nhiên từ các nền kinh tế mới nổi.
Quy mô mở rộng đã tạo nên một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chiến dịch do chính phủ hậu thuẫn để tăng cường sức ảnh hưởng của nước này trên thế giới, cùng lúc đó cung cấp động lực cho nền kinh tế đang trì trệ của Trung Quốc.
Tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng ở thủ đô Nairobi - Kenya. Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở thành một vật cản đối với tăng trưởng của thương mại toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,6% vào năm 2018 xuống 6,2% do sự leo thang từ những tranh chấp thương mại nổ ra từ năm 2018. Từ đó, nổi lên những lo ngại ngày càng tăng về khoản vay nợ khổng lồ mà Trung Quốc đổ vào nhiều khu vực trên thế giới.
Khi đầu tư của Trung Quốc ở một số quốc gia châu Phi cao hơn cả chi tiêu nội địa của chính phủ những nước này, các chuyên gia phân tích lo ngại triển vọng đầu tư sẽ thấp hơn trong tương lai và làm suy yếu dần nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. Ông Craig Botham, một chuyên gia kinh tế tại doanh nghiệp đầu tư Schroders, cảnh báo nhu cầu hàng hóa thấp hơn của Trung Quốc có thể tác động tiêu cực đến những thị trường đang phát triển. Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn hứa hẹn sẽ đầu tư 60 tỉ USD vào châu Phi trong 3 năm tới dù nhiều người lo ngại rằng dự án này có thể khiến những nước đang phát triển chìm trong nợ nần.
Trí thức trẻ
Theo Trí thức trẻ