"Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu"
Thứ ba, 18/12/2018, 10:43 GMT+7
Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật kể từ khi thực hiện các cam kết mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ...
Đối với Việt Nam, phát triển bền vững là con đường tất yếu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định khi phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững, sáng 17/12, tại Đà Nẵng.
Hội nghị do Quốc hội Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức trong hai ngày 17 và 18/12.
Vai trò quan trọng của đại biểu dân cử
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Chương trình nghị sự 2030 có 17 mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu, trong đó có các chỉ tiêu ưu tiên thực hiện, như: xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt.
Chương trình này thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng.
Theo Chủ tịch, các mục tiêu phát triển bền vững vừa là mục tiêu hướng tới, vừa là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc cải thiện cuộc sống của người dân, bảo vệ hành tinh mà chúng ta đang sinh sống.
Để đạt được những mục tiêu đó, sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, cũng như đại biểu hội đồng nhân dân các cấp, là những người được nhân dân trao quyền và gửi gắm nguyện vọng,… có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhất là trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, giám sát việc thực hiện và phân bổ ngân sách cho hoạt động triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Chủ tịch nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khẳng định phát triển bền vững là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước, và Quốc hội thì đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện trên thực tế, Chủ tịch phát biểu.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các mục tiêu phát triển bền vững, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 2013, đồng thời xây dựng và sửa đổi, bổ sung hơn 300 đạo luật, tạo cơ sở pháp lý toàn diện cho Chính phủ và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện.
Quốc hội cũng đã thông qua Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; ban hành nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng chiến lược quốc gia về các mục tiêu phát triển bền vững...
Phát triển nhanh nhưng phải bền vững
Cổng thông tin điện tử Quốc hội cho biết, phát biểu trong phiên khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, phản ánh 150/169 mục tiêu cụ thể của SDGs trong đó đặc biệt nhấn mạnh coi mọi người dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả phát triển.
Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện những bước cuối cùng để ban hành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cùng hệ thống chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững với 196 chỉ tiêu phục vụ công tác giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị để quán triệt các bộ, ngành, cấp chính quyền thực hiện.
Theo Phó thủ tướng, Việt Nam tuy đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước thu nhập trung bình thấp. Đứng trước yêu cầu phải phát triển nhanh hơn để không bị bỏ lại ngày càng xa nhưng Chính phủ Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng phải bền vững và nếu phải đặt lên bàn cân thì cần ưu tiên hơn cho yêu cầu bền vững, cụ thể và trực tiếp nhất là cho bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tạo bình đẳng cơ hội và hỗ trợ cần thiết đối với phụ nữ, trẻ em và các đối tượng dễ bị tổn thương trên tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.